Loading


Đất nông nghiệp bị dính quy hoạch có được chuyển mục đích sang đất ở không?

Đất nông nghiệp bị dính quy hoạch nếu chuyển mục đích sử dụng sang đất ở thì có vi phạm pháp luật hay không? Văn bản nào quy định về vấn đề này?

Nội dung chính

    Đất nông nghiệp bị dính quy hoạch là gì?

    Hiện nay, Luật Đất đai 2024 không có giải thích đất bị dính quy hoạch là gì. Tuy nhiên, theo khoản 36 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì quy hoạch sử dụng đất được hiểu là việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất và khoanh vùng đất đai cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng đơn vị hành chính cho thời kỳ xác định.

    Căn cứ khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất chăn nuôi tập trung; Đất làm muối và Đất nông nghiệp khác.

    Theo đó, có thể hiểu đất nông nghiệp bị dính quy hoạch là diện tích đất nông nghiệp thuộc quy hoạch được khoanh vùng sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…

    Đất nông nghiệp bị dính quy hoạch có được chuyển mục đích sang đất ở không? (Hình ảnh từ Internet)

    Đất nông nghiệp bị dính quy hoạch có được chuyển mục đích sang đất ở không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024 quy định chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

    Đồng thời, căn cứ khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai 2024 thì căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    Do đó, việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu.

    Ngoài ra, căn cứ khoản 4 Điều 76 Luật Đất đai 2024 thì trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố công khai mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất, trong đó có quyền được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Còn đối với diện tích đất phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện hoặc phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 67 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng mới cây lâu năm; người sử dụng đất được xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn, cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan. (Theo khoản 5 Điều 76 Luật Đất đai 2024)

    Như vậy, đất nông nghiệp bị dính quy hoạch, nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện vẫn có thể chuyển sang đất ở, bằng cách xin phép và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

    Thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở khi đất bị dính quy hoạch như thế nào?

    Thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở khi đất bị dính quy hoạch được thực hiện theo Điều 227 Luật Đất đai 2024 và khoản 5 Điều 44 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:

    - Bước 1: Người sử dụng đất nộp đơn xin chuyển mục đích sử dụng (theo Mẫu số 02c tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP) cho “Bộ phận Một cửa”.

    Mẫu số 02c: Tải về

    - Bước 2: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai kiểm tra các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp hồ sơ chưa bảo đảm quy định thì hướng dẫn người sử dụng đất bổ sung hồ sơ và nộp lại cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai.

    Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai giao Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin về cơ sở dữ liệu đất đai, lập trích lục bản đồ địa chính thửa đất.

    - Bước 3: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoàn thiện hồ sơ trình UBND cấp huyện ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

    - Bước 4: Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

    Cơ quan có chức năng quản lý đất đai chuyển thông tin địa chính thửa đất theo Mẫu số 04h tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP cho cơ quan thuế. Sau đó cơ quan thuế xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định, ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất gửi cho người sử dụng đất.

    Mẫu số 04h: Tải về

    - Bước 5: Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (trừ trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất)

    - Bước 6: Cơ quan thuế xác nhận hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và gửi thông báo kết quả cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai.

    - Bước 7: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính và trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất.

    saved-content
    unsaved-content
    41