Loading


Diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp tỉnh Bình Thuận từ 25/10/2024?

Diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp tỉnh Bình Thuận từ 25/10/2024? Các điều kiện tách thửa đất tỉnh Bình Thuận là gì? Các trường hợp nào không được tách thửa đất?

Nội dung chính

    Diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp tỉnh Bình Thuận từ 25/10/2024?

    Quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (Sau đây gọi là Quy định này) được ban hành kèm theo Quyết định 35/2024/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có hiệu lực từ ngày 25/10/2024.

    Căn cứ Điều 13 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 35/2024/QĐ-UBND về diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp như sau:

    (1) Đối với đất nông nghiệp nằm ngoài khu dân cư:

    - Diện tích tối thiểu các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa tại các xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Phú Quý) là 1.000 m2.

    - Diện tích tối thiểu các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa tại các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và các xã thuộc huyện Phú Quý là 500 m2.

    (2) Đối với đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, đất vườn ao (nông nghiệp) tách ra thửa riêng không gắn với đất ở:

    - Diện tích tối thiểu các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa tại các xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố là 400 m2.

    - Diện tích tối thiểu các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa tại phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố là 300 m2.

    Diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp tỉnh Bình Thuận từ 25/10/2024?

    Diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp tỉnh Bình Thuận từ 25/10/2024? (Hình từ Internet)

    Các điều kiện tách thửa đất tỉnh Bình Thuận là gì?

    Căn cứ vào Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 35/2024/QĐ-UBND thì các điều kiện tách thửa đất tại tỉnh Bình Thuận gồm:

    Việc tách thửa đất phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 220 Luật Đất đai 2024, đồng thời phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

    - Diện tích các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa đất (sau khi trừ diện tích nằm trong hành lang an toàn đường bộ và quy hoạch đường giao thông) không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Quyết định 35/2024/QĐ-UBND.

    - Trường hợp tách thửa đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ, quy hoạch đường giao thông:

    Trường hợp thửa đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ hoặc nằm trong quy hoạch đường giao thông đã được cấp Giấy chứng nhận thành một thửa đất riêng thì chỉ cần đảm bảo điều kiện về chiều rộng tối thiểu tương ứng với thửa đất nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ, quy hoạch đường giao thông của cùng một người sử dụng đất.

    Trường hợp chưa tách thành thửa đất riêng thì các thửa đất hình thành từ việc tách thửa bao gồm cả diện tích nằm trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ, quy hoạch đường giao thông.

    - Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi thì phải bảo đảm các điều kiện sau:

    + Giấy chứng nhận đã cấp cho người sử dụng đất, với nguồn gốc sử dụng đất là Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Thửa đất được tách phải tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu và lối đi có cùng bề rộng tối thiểu là 3,5 m.

    + Chỉ áp dụng đối với các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tách thửa để tặng cho hoặc thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất của các thành viên trong hộ gia đình, cá nhân đó.

    + Các thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác hình thành từ việc tách thửa theo điều kiện, diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tại nông thôn, đô thị tại Điều 7, Điều 8 Quyết định 35/2024/QĐ-UBND.

    + Trước khi thực hiện tách thửa đất thì người sử dụng đất phải cắm mốc, xác định phạm vi diện tích, ranh giới lối đi, để Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tiến hành đo đạc tại thực địa và lấy ý kiến của UBND cấp huyện trước khi xác lập bản đồ tách thửa theo quy định.

    - Trường hợp các hành vi vi phạm hành chính về đất đai được xác định là hành vi vi phạm đang được thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Việc tách thửa đất, hợp thửa đất được thực hiện sau khi người sử dụng đất chấp hành đầy đủ các nội dung trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền.

    - Các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải tiếp giáp đường giao thông hiện hữu hoặc lối đi theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 3 Quyết định 35/2024/QĐ-UBND, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 và khoản 1 Điều 13 Quyết định 35/2024/QĐ-UBND.

    Các trường hợp nào không được tách thửa đất?

    Căn cứ vào Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 35/2024/QĐ-UBND thì các trường hợp không được tách thửa đất gồm:

    - Người sử dụng đất không được tách thửa đấ khi không đáp ứng các điều kiện tại Điều 4, Điều 5, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 Quyết định 35/2024/QĐ-UBND.

    - Phần diện tích đất nằm trong khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc đã có quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

    - Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất do người sử dụng đất dành ra để làm lối đi, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận do không đáp ứng điều kiện theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 220 Luật Đất đai 2024.

    - Tách thửa đất trong các dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị (bao gồm cả dự án có thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để người dân xây dựng nhà ở) đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được duyệt.

    saved-content
    unsaved-content
    81