Loading


Điều kiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài mới nhất 2025

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Bảo Anh Thư
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài theo quy định mới nhất 2025 thế nào? Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng bao gồm những gì?

Nội dung chính

    Điều kiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài được quy định thế nào?

    Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 175/2024/NĐ-CP định nghĩa giấy phép hoạt động xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho nhà thầu nước ngoài theo từng hợp đồng sau khi trúng thầu hoặc được chọn thầu để thực hiện hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

    Nhà thầu nước ngoài là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc cá nhân có quốc tịch nước ngoài, đã được lựa chọn; ký kết, thực hiện hợp đồng xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam. Nhà thầu nước ngoài có thể là tổng thầu hoặc nhà thầu liên danh hoặc nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ (khoản 12 Điều 3 Nghị định 175/2024/NĐ-CP)

    Căn cứ Điều 114 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư/nhà thầu chính (phụ).

    Đồng thời, nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu.

    Khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam phải phân định rõ nội dung, khối lượng và giá trị phần công việc do nhà thầu Việt Nam trong liên danh; nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện.

    Như vậy, nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu và phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu.

    Điều kiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài được quy định thế nào?

    Điều kiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài được quy định thế nào? (Hình từ Internet)

    Ai có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài?

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Nghị định 175/2024/NĐ-CP thì Sở Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thực hiện hoạt động xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.

    Đối với hoạt động xây dựng trên địa bàn của 02 tỉnh trở lên thì cơ quan có thẩm quyền cấp là Sở Xây dựng thuộc địa phương nơi nhà thầu nước ngoài dự kiến đặt văn phòng điều hành.

    Theo nội dung trên, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài là Sở Xây dựng.

    Nếu nhà thầu thực hiện hoạt động xây dựng trên địa bàn của một tỉnh, Sở Xây dựng của tỉnh đó sẽ cấp giấy phép. Trong trường hợp nhà thầu hoạt động trên địa bàn của hai tỉnh trở lên, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép là Sở Xây dựng của địa phương nơi nhà thầu dự kiến đặt văn phòng điều hành.

    Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng bao gồm những gì?

    Nhà thầu nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ tới cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng thông qua hình thức sau:

    - Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa;

    - Thông qua dịch vụ bưu chính;

    - Trực tuyến tại cổng dịch vụ công.

    * Hồ sơ bao gồm:

    (1) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo Mẫu số 01, Mẫu số 04 Phụ lục III Nghị định 175/2024/NĐ-CP;

    (2) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực theo quy định về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hợp pháp;

    (3) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực theo quy định giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp;

    (4) Biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động liên quan đến các công việc nhận thầu và bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực theo quy định báo cáo tổng hợp kiểm toán tài chính trong 03 năm gần nhất (đối với trường hợp không thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu); đối với nhà thầu thành lập dưới 03 năm thì nộp báo cáo tổng hợp kiểm toán tài chính theo số năm được thành lập;

    (5) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực theo quy định Hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng chính thức hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công việc nhận thầu (đã có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu);

    (6) Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu.

    Đồng thời, tại khoàn 2 Điều 115 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng bằng tiếng Việt.

    Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước có liên quan là thành viên có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự.

    Các giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm (2), (3), (5) và (6) nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

    Như vậy, nhà thầu nước ngoài phải chuẩn bị hồ sơ nêu trên và có thể nộp trực tiếp, qua bưu chính hoặc trực tuyến tại cổng dịch vụ công, và phải đảm bảo các giấy tờ, tài liệu là bản sao có chứng thực, dịch ra tiếng Việt và công chứng khi cần thiết.

    saved-content
    unsaved-content
    55
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ