Diện tích tối đa được sử dụng khi chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là bao nhiêu?
Nội dung chính
Diện tích tối đa được sử dụng khi chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là bao nhiêu?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 112/2024/NĐ-CP, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản được quy định rõ ràng như sau:
- Diện tích tối đa được phép sử dụng: Chủ sử dụng đất được phép hạ thấp mặt bằng để nuôi trồng thủy sản trên tối đa 20% diện tích đất trồng lúa hiện có.
- Độ sâu cho phép hạ thấp mặt bằng: Khi hạ thấp mặt bằng đất trồng lúa để làm ao hoặc khu vực nuôi trồng thủy sản, độ sâu tối đa được phép là 120 cm so với mặt ruộng ban đầu.
Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 6 Nghị định 112/2024/NĐ-CP, đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc vật nuôi vẫn được thống kê là đất trồng lúa, nhằm đảm bảo dữ liệu thống kê đất đai được quản lý thống nhất và không gây xáo trộn trong quy hoạch sử dụng đất.
Ví dụ: Ông A có 10.000 m² đất trồng lúa, ông muốn chuyển đổi một phần diện tích sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá. Theo quy định:
- Ông A được phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất, tức là 2.000 m² để làm ao nuôi cá.
- Phần diện tích ao này có thể được hạ thấp mặt bằng tối đa 120 cm so với mặt ruộng ban đầu để đảm bảo độ sâu thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản.
Như vậy, đối với việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản thì sẽ được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120cm so với mặt ruộng.
Diện tích tối đa được sử dụng khi chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Trình tự thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản như thế nào?
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 112/2024/NĐ-CP có quy định về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa.
Theo đó, hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản như sau:
(1) Người sử dụng đất trồng lúa có nhu cầu chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản thì cần gửi Bản Đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa (Bản Đăng ký) đến Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP.
(2) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Bản Đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa hợp lệ; Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét sự phù hợp của Bản Đăng ký với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa hằng năm của cấp xã.
- Trường hợp Bản Đăng ký phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa hằng năm của cấp xã, UBND cấp xã ban hành văn bản chấp thuận cho phép chuyển đổi, gửi cho người sử dụng đất trồng lúa đăng ký;
- Trường hợp Bản Đăng ký không phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa hằng năm của cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất trồng lúa đăng ký.
Nộp hồ sơ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản qua đâu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 112/2024/NĐ-CP có quy định như sau: người sử dụng đất trồng lúa chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến Bộ phận một cửa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.