16:42 - 15/11/2024

Định hướng Quy hoạch đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai là gì?

Định hướng Quy hoạch đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai là gì?

Nội dung chính

    Định hướng Quy hoạch đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai là gì?

    Ngày 22/08/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024 về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn.

    Căn cứ quy định tại Điều 1 Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, định hướng quy hoạch đô thị của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai như sau:

    (1) Đối với Hà Nội:

    - Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có vị thế nổi trội về văn hóa, lịch sử khu vực Đông Nam Á; trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Xây dựng các thành phố trực thuộc, đô thị vệ tinh liên kết với đô thị trung tâm tạo thành hạt nhân của vùng đô thị Hà Nội.

    - Quy hoạch thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, thông minh, năng động, sáng tạo; đô thị đầu tàu về văn hóa, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ của cả nước; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng chất lượng cao; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế. Khai thác lợi thế sông Hồng tạo lập hình ảnh thương hiệu đô thị.

    Tập trung xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thoát nước, sớm khắc phục tình trạng tắc nghẽn, ngập úng. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt đô thị; xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Quản lý, khai thác không gian ngầm gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất đô thị.

    - Xây dựng các thành phố trực thuộc thành phố Hà Nội, thị xã, các quận, các đô thị vệ tinh và các đơn vị hành chính đô thị, nông thôn trực thuộc có hạ tầng đồng bộ, tiện ích và dịch vụ đô thị, giao thông kết nối thuận tiện với trung tâm, giảm tải khu vực nội đô và mở rộng không gian phát triển của thành phố Hà Nội.

    (2) Đối với Thành phố Hồ Chí Minh:

    - Xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có vị thế nổi trội về kinh tế và đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Á; thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng; tiến tới phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm tài chính, dịch vụ của châu Á; xây dựng các thành phố trực thuộc, đô thị vệ tinh liên kết với đô thị trung tâm tạo thành đô thị hạt nhân của vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

    - Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố toàn cầu, hiện đại, năng động; chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu và là đầu mối giao thương với quốc tế.

    Khai thác lợi thế sông Sài Gòn và sông Đồng Nai tạo lập hình ảnh thương hiệu đô thị. Chú trọng khai thác không gian ngầm gắn với khai thác hiệu quả quỹ đất đô thị. Nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Thủ Đức, Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh.

    Định hướng Quy hoạch đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai là gì?

    Định hướng Quy hoạch đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai là gì? (Hình từ Internet)

    Tỉnh nào của Việt Nam định hướng trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai?

    Căn cứ Phục lục I Quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2030 "Danh mục các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III" Kèm theo Quyết định số 891/QĐ-TTg năm 2024, các tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai gồm:

    (1) Thừa Thiên Huế;

    (2) Khánh Hòa: Đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương;

    (3) Bắc Ninh: Đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đạt các tiêu chí đô thị Loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương;

    (4) Bà Rịa - Vũng Tàu: Đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu cơ bản đạt tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương;

    (5) Quảng Ninh: Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương;

    (6) Ninh Bình: Đến năm 2030, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương;

    (7) Hải Dương: Đến năm 2030, đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương;

    (8) Bình Dương: Đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

    Trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị?

    Điều 14 Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định

    Trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị
    1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị trong phạm vi cả nước.
    2. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị; chủ trì phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị.
    3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo sự phân công của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị.
    4. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ.

    Căn cứ quy định trên, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị tùy thuộc vào nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

    saved-content
    unsaved-content
    188
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT