Hàng xóm không ký giáp ranh có được làm Sổ đỏ không? Ranh giới thửa đất được xác định dựa trên những cơ sở nào?

Hàng xóm không ký giáp ranh có làm được Sổ đỏ? Xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề thực hiện như thế nào?

Nội dung chính

    Hàng xóm không ký giáp ranh có làm được Sổ đỏ?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất
    ...
    2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục không tiếp nhận hồ sơ hoặc dừng giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và trả hồ sơ cho người yêu cầu đăng ký, trừ trường hợp đăng ký đất đai lần đầu mà không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trong các trường hợp sau:
    a) Không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ hoặc hồ sơ không đầy đủ thành phần hoặc không đảm bảo tính thống nhất nội dung thông tin giữa các giấy tờ hoặc kê khai nội dung không đầy đủ thông tin theo quy định;
    b) Nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thuộc đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật;
    c) Nhận được văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án;
    d) Nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đã thụ lý đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai hoặc đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất;
    đ) Nhận được văn bản của Tòa án nhân dân có thẩm quyền về việc đã thụ lý đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất;
    e) Nhận được văn bản của Trọng tài Thương mại Việt Nam về việc thụ lý đơn giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất;
    g) Nhận được văn bản yêu cầu dừng thực hiện thủ tục hành chính về đất đai để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan có thẩm quyền;
    h) Trường hợp đăng ký biến động đất đai do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đang được thế chấp và đã đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng hồ sơ đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho không có văn bản của bên nhận thế chấp về việc đồng ý cho bên thế chấp được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
    i) Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp và đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất hoặc công trình xây dựng thuộc các dự án này tại Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai mà chủ đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi để rút bớt tài sản thế chấp là tài sản đã chuyển nhượng, đã bán, trừ trường hợp bên nhận thế chấp và bên mua tài sản có thỏa thuận về việc tiếp tục dùng tài sản này làm tài sản thế chấp và thực hiện đăng ký thay đổi bên bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

    Theo như quy định trên thì hàng xóm không ký giáp ranh không phải là điều kiện bắt buộc để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ). Tuy nhiên, trong trường hợp có tranh chấp về ranh giới đất đai hoặc có đơn yêu cầu hòa giải, giải quyết tranh chấp từ hàng xóm gửi lên cơ quan có thẩm quyền, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ dừng giải quyết thủ tục cấp Sổ đỏ theo quy định tại điểm d và đ khoản 2 Điều 19 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

    Như vậy, nếu không có tranh chấp hay đơn khiếu nại, việc hàng xóm không ký giáp ranh sẽ không ảnh hưởng đến việc cấp Sổ đỏ. Còn nếu có tranh chấp, việc cấp Sổ đỏ sẽ tạm dừng cho đến khi giải quyết xong tranh chấp.

    Hàng xóm không ký giáp ranh có được làm Sổ đỏ không? Ranh giới thửa đất được xác định dựa trên những cơ sở nào?

    Hàng xóm không ký giáp ranh có được làm Sổ đỏ không? Ranh giới thửa đất được xác định dựa trên những cơ sở nào? (Hình ảnh từ Intenet)

    Xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề thực hiện như thế nào?

    Theo Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản liền kề như sau:

    Ranh giới giữa các bất động sản
    1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
    Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
    ...

    Như vậy, ranh giới giữa các thửa đất liền kề được xác định như sau:

    (1) Theo thỏa thuận giữa các bên sử dụng đất.

    (2) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    (3) Theo tập quán hoặc ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

    (4) Các bên không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới đã xác định, đồng thời phải tôn trọng và duy trì ranh giới chung, kể cả trong trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng.

    Ranh giới thửa đất được xác định dựa trên những cơ sở nào?

    Căn cứ theo tiểu mục 1.2 Mục 1 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định ranh giới thửa đất được xác định dựa trên:

    (1) Hiện trạng đang sử dụng và quản lý.

    (2) Kết quả cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

    (3) Bản án của tòa án có hiệu lực thi hành.

    (4) Kết quả giải quyết tranh chấp của cơ quan có thẩm quyền.

    (5) Các quyết định hành chính liên quan của cơ quan có thẩm quyền.

    (6) Trường hợp có tranh chấp, nếu xác định được ranh giới thực tế thì đo đạc theo ranh giới đó; nếu không xác định được thì đo vẽ khoanh bao và báo cáo lên UBND cấp xã để giải quyết.

    saved-content
    unsaved-content
    41
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT