Loading


Không công chứng hợp đồng thuê nhà thì có vi phạm pháp luật không? Lợi ích khi công chứng hợp đồng thuê nhà?

Nếu giao kết hợp đồng thuê nhà xong không công chứng hợp đồng thuê nhà thì có vi phạm pháp luật không? Lợi ích khi công chứng hợp đồng thuê nhà là gì?

Nội dung chính

    Thế nào là hợp đồng thuê nhà?

    Cùng với sự phát triển của các đô thị lớn cùng với nhu cầu về chỗ ở ngày càng tăng khiến hình thức thuê nhà trở thành lựa chọn hợp lý cho nhiều người, từ sinh viên, người lao động đến cả những gia đình nhỏ.

    Có thể hiểu thuê nhà là giao dịch thuê hay cho thuê tài sản. Dựa theo Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Hợp đồng thuê tài sản
    Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
    Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan

    Như vậy, có thể hiểu hợp đồng thuê nhà ở là hợp đồng dân sự thông dụng, là thỏa thuận giữa hai bên (bên cho thuê và bên thuê). Bên cho thuê nhà có nghĩa vụ giao nhà cho bên thuê nhà sử dụng trong thời hạn thỏa thuận và bên thuê nhà có nghĩa vụ trả tiền thuê nhà theo thỏa thuận.

    Không công chứng hợp đồng thuê nhà thì có vi phạm pháp luật không? Lợi ích khi công chứng hợp đồng thuê nhà? (Hình ảnh từ Internet)

    Không công chứng hợp đồng thuê nhà thì có vi phạm pháp luật không?

    Căn cứ vào khoản 2 Điều 164 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
    1. Trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thì phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
    Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm hoàn thành việc công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
    2. Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công; mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
    Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
    3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
    4. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.

    Dựa theo những quy định trên thì hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải công chứng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

    Do đó, hợp đồng thuê nhà mà các bên thỏa thuận lập ra bằng văn bản, ký với nhau và đáp ứng được đầy đủ các quy định của pháp luật mà không ra công chứng thì cũng không vi phạm pháp luật và vẫn có giá trị về mặt pháp lý. Tuy nhiên, hợp đồng có công chứng thì sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, đảm bảo tính hợp pháp về nội dung cũng như là bảo vệ quyền lợi của các bên khi mà có tranh chấp xảy ra. Cho nên, trong trường hợp các bên có nhu cầu công chứng, chứng thực thì các bên có thể công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà ở.

    Lợi ích khi công chứng hợp đồng thuê nhà?

    Căn cứ vào khoản 2 Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:

    Giá trị pháp lý của văn bản công chứng
    ...
    2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
    3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

    Như vậy, có thể thấy tính ràng buộc pháp lý của hợp đồng có công chứng sẽ cao hơn, vì hợp đồng thuê nhà được công chứng có hiệu lực thi hành đối với tất cả các bên liên quan. Điều này đảm bảo rằng mọi điều khoản trong hợp đồng đều có tính bắt buộc thực hiện. Trong trường hợp một bên không tuân thủ nghĩa vụ của mình, bên kia có quyền yêu cầu Tòa án can thiệp để giải quyết vấn đề, trừ khi có thỏa thuận khác trong hợp đồng.

    Bên cạnh đó khi hợp đồng có công chứng, hợp đồng thuê nhà trở măc nhiên thành chứng cứ. Khi có tranh chấp phát sinh, các chi tiết và sự kiện trong hợp đồng công chứng không cần phải được chứng minh lại tại tòa, trừ khi hợp đồng bị Tòa tuyên bố là vô hiệu. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chí phí cũng như là công sức trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

    Những điều này giúp đảm bảo quyền lợi và giảm thiểu rủi ro pháp lý cho các bên trong quan hệ thuê nhà.

    Ngược lại, việc không công chứng hợp đồng thuê nhà không chỉ tạo ra rủi ro cho cả bên thuê và bên cho thuê mà còn gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên. Để tránh những rắc rối này, việc công chứng hợp đồng là rất cần thiết. Nó không chỉ mang lại sự an tâm cho các bên mà còn đảm bảo tính pháp lý cao cho giao dịch, từ đó giúp bảo vệ quyền lợi của mọi người trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

    saved-content
    unsaved-content
    74