Loading


Không đăng ký tạm trú, người thuê trọ hay chủ trọ là người bị phạt?

Không đăng ký tạm trú, người thuê trọ hay chủ trọ là người bị phạt? Hướng dẫn chi tiết cách khai báo tạm trú trên app VNeID tại nhà đơn giản nhất? Hồ sơ đăng ký tạm trú gồm những giấy tờ nào?

Nội dung chính


    Không đăng ký tạm trú, người thuê trọ hay chủ trọ là người bị phạt?

    Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:

    Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

    1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

    b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;

    c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

    ...

    5. Hình thức xử phạt bổ sung:

    Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và h khoản 2, các điểm b và c khoản 4 Điều này.

    6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm b và g khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này.

    Qua đó có thể thấy theo quy định pháp luật không nêu rõ người thuê trọ hay người chủ trọ sẽ bị phạt khi không đăng ký tạm trú.

    Tức là cả người chủ trọ và người thuê trọ đều có thể là người bị phạt nếu không đăng ký tạm trú

    - Trường hợp có thỏa thuận chủ trọ có trách nhiệm đăng ký tạm trú cho người thuê trọ nhưng không thực hiện thì người chủ trọ sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

    - Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận người thuê trọ tự đăng ký tạm trú thì người thuê trọ sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

    *Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, đối với tổ chức mức phạt sẽ gấp 02 lần (Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

    Không đăng ký tạm trú, người thuê trọ hay chủ trọ là người bị phạt? (Hình từ Internet)

    Hướng dẫn chi tiết cách khai báo tạm trú trên app VNeID tại nhà đơn giản nhất?

    Khai báo tạm trú là một thủ tục hành chính rất phổ biến. Để khai báo tạm trú công dân có thể đến trực tiếp cơ quan quản lý cư trú hoặc thực hiện đăng ký online. Công dân có định danh điện tử mức 2 có thể khai báo tạm trú online trên app VNeID, cụ thể cách khai báo tạm trú như sau:

    Bước 1: Đăng nhập vào app VNeID trên điện thoại

    Bước 2: Chọn mục Thủ tục hành chính

    Bước 3: Chọn Thông báo lưu trú

    Bước 4: Chọn Tạo mới yêu cầu

    Bước 5: Cung cấp đầy đủ thông tin tại Cơ quan công an thực hiện

    Bước 6: Lựa chọn loại hình cư trú

    Bước 7: Chọn Tên cơ sở lưu trú => chọn Tiếp tục

    Bước 8: Xác nhận lại thông tin vừa khai báo

    Nếu cần đăng ký thêm người lưu trú khác, chọn Thêm người lưu trú và nhập thông tin tương ứng để đăng ký tạm trú trên VNeID và tiếp tục cung cấp thêm thông tin lưu trú của người được đăng ký thêm

    Bước 9: Gửi yêu cầu xét duyệt để hoàn tất khai báo tạm trú trên app VNeID

    Hồ sơ đăng ký tạm trú gồm những giấy tờ nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Luật Cư trú 2020 quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú như sau:

    Hồ sơ đăng ký tạm trú gồm những giấy tờ sau:

    - Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

    - Tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp gồm:

    + Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất (trong đó có thông tin về nhà ở);

    + Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

    + Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

    + Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

    + Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

    + Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;

    + Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

    + Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

    + Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu.

    Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;

    + Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

    + Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

     

    saved-content
    unsaved-content
    1