Loading


Làm gì khi xảy ra tranh chấp thừa kế bất động sản giữa các thành viên gia đình?

Tranh chấp thừa kế bất động sản giữa các thành viên gia đình cần giải quyết qua hòa giải, thỏa thuận hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định pháp luật.

Nội dung chính

    Tranh chấp thừa kế bất động sản là một vấn đề thường gặp trong các gia đình, đặc biệt khi di sản có giá trị lớn và liên quan đến nhiều người thừa kế. Khi xảy ra tranh chấp, các thành viên gia đình cần xử lý khéo léo và tuân thủ các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời duy trì hòa khí gia đình. Dưới đây là các công việc có thể thực hiện:

    Thương lượng và hòa giải nội bộ gia đình khi xảy ra tranh chấp thừa kế bất động sản

    Theo khoản 1 Điều 235 Luật Đất đai 2024 nhà nước khuyến khích các tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

    Các thành viên liên quan nên gặp gỡ, thảo luận để giải quyết mâu thuẫn, tránh để tranh chấp kéo dài và phức tạp hơn. Việc này có thể giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho tất cả các bên

    Nếu cần thiết, gia đình có thể mời một người trung lập, như người lớn tuổi trong dòng họ hoặc chuyên gia hòa giải, để hỗ trợ quá trình thương lượng. Việc tìm được một giải pháp hòa bình sẽ tốt hơn nhiều so với việc đưa vụ việc ra pháp luật.

    Xác định pháp lý về thừa kế bất động sản

    Để giải quyết tranh chấp, các bên cần kiểm tra và xác định tính pháp lý của việc thừa kế. Hai trường hợp phổ biến bao gồm:

    - Trường hợp có di chúc:

    Kiểm tra xem di chúc có hợp pháp hay không. Theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện như: được lập bởi người minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung không trái pháp luật, đạo đức xã hội; và hình thức di chúc phù hợp với quy định pháp luật.

    - Trường hợp không có di chúc:

    Nếu không có di chúc, di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, cụ thể là quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

    + Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    + Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    + Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    Làm gì khi xảy ra tranh chấp thừa kế bất động sản giữa các thành viên gia đình?

    Làm gì khi xảy ra tranh chấp thừa kế bất động sản giữa các thành viên gia đình? (Hình từ Internet)

    Thu thập tài liệu và chứng cứ khi xảy ra tranh chấp thừa kế bất động sản giữa các thành viên gia đình

    Các bên liên quan cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết để chứng minh quyền lợi của mình trong quá trình giải quyết tranh chấp. Những tài liệu quan trọng bao gồm:

    - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.

    - Di chúc (nếu có).

    - Các giấy tờ chứng minh mối quan hệ thừa kế như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn…

    Yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết khi xảy ra tranh chấp thừa kế bất động sản giữa các thành viên gia đình

    Nếu các bước thương lượng và hòa giải không đạt được kết quả, các bên có thể nhờ đến sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân. Quá trình này bao gồm:

    - Hòa giải tại UBND cấp xã:

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 khi có tranh chấp đất đai, các bên cần yêu cầu hòa giải tại UBND cấp xã nơi có bất động sản tranh chấp trước khi khởi kiện lên Tòa án. Đây là bước bắt buộc trong một số trường hợp để đảm bảo các bên có thêm cơ hội giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

    - Khởi kiện tại Tòa án:

    Nếu hòa giải không thành công, các bên có quyền nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo Điều 236 Luật Đất đai 2024. Đơn khởi kiện cần kèm theo các chứng cứ liên quan để chứng minh yêu cầu của mình. Tòa án sẽ tiến hành thụ lý vụ án, tổ chức xét xử và ra quyết định cuối cùng dựa trên quy định của pháp luật.

    saved-content
    unsaved-content
    40