Loading

16:22 - 04/11/2024

Liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy là gì, được quy định như thế nào theo Nghị định 141/2024/NĐ-CP

Liệu pháp tâm lý, ngành nghề cần xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng và lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với chương trình phát triển kinh tế - xã hội quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy là gì?

    Ngày 28 tháng 10 năm 2024 Chính phủ ban hành Nghị định 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

    Trong đó, tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 141/2024/NĐ-CP quy định về khái niệm liệu pháp tâm lý cho người nghiện ma túy như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    7. Liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy là biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng các kỹ thuật can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm để trợ giúp cá nhân thay đổi nhận thức, hành vi về việc sử dụng ma túy, tiến tới giảm và ngừng sử dụng ma túy.

    Theo đó, liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy được hiểu là biện pháp hỗ trợ trong việc giảm tác hại và ngăn ngừa lây nhiễm HIV cho người sử dụng ma túy.

    Thông qua các kỹ thuật can thiệp cá nhân và nhóm, liệu pháp này giúp người sử dụng ma túy thay đổi nhận thức và hành vi, với mục tiêu cuối cùng là giảm dần và tiến tới ngừng hẳn việc sử dụng ma túy.

    Liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy là gì, được quy định như thế nào theo Nghị định 141/2024/NĐ-CP (Ảnh từ Internet)Liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy là gì, được quy định như thế nào theo Nghị định 141/2024/NĐ-CP (Ảnh từ Internet)

    Điều kiện để thực hiện liệu pháp tâm lý cho người nghiện ma túy là gì?

    Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 141/2024/NĐ-CP để thực hiện liệu pháp tâm lý cho người nghiện ma túy cần các điều kiện quy định như sau:

    Liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy
    1. Điều kiện thực hiện:
    a) Nhân sự thực hiện liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy phải có chứng nhận hoàn thành tập huấn về liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma tuý do cơ sở có chức năng đào tạo cấp;
    b) Có địa điểm đảm bảo tính riêng tư;
    c) Có bàn, ghế và tài liệu chuyên môn để thực hiện liệu pháp tâm lý.
    2. Các kỹ thuật can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm trong liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

    Theo đó, liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy đòi hỏi nhân sự có chứng nhận tập huấn, có địa điểm riêng tư, và trang thiết bị cơ bản để thực hiện liệu pháp tâm lý.

    Quá trình thực hiện tuân theo các kỹ thuật can thiệp cá nhân và nhóm được Bộ Y tế hướng dẫn, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho người sử dụng ma túy trong việc giảm tác hại và tiến tới ngừng sử dụng ma túy.

    Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội

    Để giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phối hợp lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Điều 48 Nghị định 141/2024/NĐ-CP như sau:

    Lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội
    Khi xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình nhiễm HIV/AIDS thực tế tại địa phương tiến hành lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo các nguyên tắc sau:
    1. Quy định các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS đối với Ủy ban nhân dân các cấp và các Bộ, ngành khi trực tiếp tham gia vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.
    2. Quy định nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS.
    3. Quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phối hợp với cơ quan y tế đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn để thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS.

    Theo đó, khi xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS dựa trên tình hình thực tế tại địa phương.

    Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắt như trên.

    Những ngành nghề nào cần phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng?

    Một số ngành nghề trước khi tuyển dụng cần phải làm xét nghiệm HIV trước. Theo đó, tại Điều 49 Nghị định 141/2024/NĐ-CP có quy định về danh mục một số ngành nghề này:

    Danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng
    1. Danh mục nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng:
    a) Thành viên tổ lái theo quy định tại Điều 72 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;
    b) Tất cả các trường hợp tuyển dụng, làm việc, học tập, lao động, công tác thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
    2. Khi đã tuyển dụng mà phát hiện người lao động nhiễm HIV, người sử dụng lao động phải thực hiện đúng các quy định tại Điều 14 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

    Như vậy, một số nghề nhất định yêu cầu xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng, bao gồm thành viên tổ lái hàng không và các vị trí thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

    Nếu phát hiện người lao động nhiễm HIV sau khi tuyển dụng, người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ đối với người nhiễm HIV theo Điều 14 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006.

    Nghị định 141/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.

    saved-content
    unsaved-content
    46