Loading


Mẫu biên bản vi phạm hành chính số 01 như thế nào? Trường hợp nào không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính?

Mẫu biên bản vi phạm hành chính số 01? Khi nào không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính? Biên bản vi phạm hành chính phải gồm có những nội dung cơ bản nào?

Nội dung chính

    Mẫu biên bản vi phạm hành chính số 01 như thế nào?

    Tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP có quy định mẫu biên bản vi phạm hành chính số 01 (mẫu số MBB01)

    Xem chi tiết và tải về mẫu biên bản tại đây.

    Mẫu biên bản vi phạm hành chính số 01 như thế nào? Trường hợp nào không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính? (Hình từ Internet)

    Trường hợp nào không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính?

    Tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có quy định như sau:

    Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
    1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:
    a) Trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật này;
    b) Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;
    c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này;
    d) Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;
    đ) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 62 của Luật này.
    ...

    Như vậy, việc không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện trong trường hợp sau:

    - Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính;

    - Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;

    - Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định pháp luật;

    - Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;

    - Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định pháp luật.

    Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn bao nhiêu ngày?

    Tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP có quy định biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn như sau:

    - Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;

    - Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;

    - Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc.

    - Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc.

    - Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc.

    Biên bản vi phạm hành chính phải gồm có những nội dung cơ bản nào?

    Tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP có quy định biên bản vi phạm hành chính gồm có những nội dung cơ bản sau:

    - Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản;

    - Họ và tên, chức vụ người lập biên bản;

    - Thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

    - Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm;

    - Mô tả cụ thể, đầy đủ vụ việc, hành vi vi phạm;

    - Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

    - Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền);

    - Lời khai của người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có); ý kiến của cha mẹ hoặc của người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính (nếu có);

    - Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm, cơ quan của người có thẩm quyền tiếp nhận giải trình; trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình, thì phải ghi rõ ý kiến vào biên bản;

    - Thời gian, địa điểm người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm phải có mặt để giải quyết vụ việc;

    - Họ và tên người nhận, thời gian nhận biên bản trong trường hợp biên bản được giao trực tiếp.

    saved-content
    unsaved-content
    35