Mức án phí dân sự sơ thẩm tranh chấp đất đai hiện nay là bao nhiêu?

Mức án phí dân sự sơ thẩm tranh chấp đất đai hiện nay là bao nhiêu? Ai có nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm tranh chấp đất đai?

Nội dung chính

    Mức án phí dân sự sơ thẩm tranh chấp đất đai hiện nay là bao nhiêu?

    Căn cứ vào Điều 6 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định mức án phí, lệ phí Tòa án như sau:

    Mức án phí, lệ phí Tòa án
    1. Mức án phí, lệ phí Tòa án được quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này.
    2. Đối với vụ án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức án phí bằng 50% mức án phí quy định tại mục A Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này.

    Mức án phí dân sự sơ thẩm được quy định như bảng dưới đây:

    Số thứ tự

    Tên án phí

    Mức thu

    1

    Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch

    300.000 đồng

    2

    Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch

     

    2.1

    Từ 6.000.000 đồng trở xuống

    300.000 đồng

    2.2

    Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng

    5% giá trị tài sản có tranh chấp

    2.3

    Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng

    20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

    2.4

    Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng

    36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng

    2.5

    Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng

    72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng

    2.6

    Từ trên 4.000.000.000 đồng

    112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

    Trong đó:

    - Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.

    - Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.

    (Theo khoản 2, 3 Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14)

    Như vậy, đối với vụ án tranh chấp được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức án phí bằng 50% mức án phí nêu trong bản trên. Còn các vụ việc tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng bình thường thì áp dụng mức án phí dân sự sơ thẩm như trên.

    Mức án phí dân sự sơ thẩm tranh chấp đất đai hiện nay là bao nhiêu?Mức án phí dân sự sơ thẩm tranh chấp đất đai hiện nay là bao nhiêu? (Hình từ Internet)

    Ai có nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm tranh chấp đất đai?

    Căn cứ vào Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được quy định như sau:

    - Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

    - Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

    - Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.

    - Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.

    - Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.

    - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.

    - Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.

    - Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn theo quy định thì các đương sự phải chịu 50% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.

    - Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.

    - Trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết theo quy định.

    - Nguyên đơn trong vụ án dân sự do cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích của người khác không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

    Khi nào có thể khởi kiện đến Tòa án để giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục dân sự?

    Căn cứ vào khoản 1, 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
    1. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết.
    2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
    a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
    b) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
    ...

    Như vậy, các trường hợp khởi kiện đến Tòa án để giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục dân sự gồm:

    - Khởi kiện đối với tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.

    - Lựa chọn khởi kiện ngay từ đầu với tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

    saved-content
    unsaved-content
    93
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT