Loading


Người nước ngoài có được gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam? Trường hợp nào tổ chức, cá nhân nước ngoài không được gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

Người nước ngoài có được gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam? Trường hợp nào tổ chức, cá nhân nước ngoài không được gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

Nội dung chính

    Người nước ngoài có được gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

    Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Nhà ở 2023 quy định về thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài như sau:

    Quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài

    ...

    2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này có quyền của chủ sở hữu đối với nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây:

    ...

    c) Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong giao dịch mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.
    Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
    Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

    Theo đó người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong thời hạn là không quá 50 năm kể từ ngày nhận giấy chứng nhận và được gia hạn thời hạn sử dụng một lần với thời hạn là không quá 50 năm. 

    Ngoài ra, đối với người nước ngoài mà kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu như công dân Việt Nam. Còn đối với người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

    Người nước ngoài có được gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam? Trường hợp nào tổ chức, cá nhân nước ngoài không được gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

    Trường hợp nào tổ chức, cá nhân nước ngoài không được gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

    Căn cứ tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định về trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:

    Hồ sơ, trình tự, thủ tục gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

    ...

    3. Trường hợp khi hết hạn sở hữu lần đầu mà cá nhân nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc xuất cảnh hoặc trục xuất, đối với tổ chức nước ngoài mà bị buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam thì không được gia hạn thêm thời hạn sở hữu nhà ở theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, việc xử lý nhà ở đối với trường hợp không được gia hạn sở hữu được thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 20 của Luật Nhà ở hoặc điểm d khoản 2 Điều 21 của Luật Nhà ở.

    Theo đó với trường hợp khi hết hạn sở hữu lần đầu mà cá nhân nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc xuất cảnh hoặc trục xuất, đối với tổ chức nước ngoài mà bị buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam thì không được gia hạn thêm thời hạn sở hữu nhà ở. 

    Bên cạnh đó, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể việc xử lý nhà ở đối với trường hợp không được gia hạn sở hữu được thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 20 Luật Nhà ở 2023 hoặc điểm d khoản 2 Điều 21 Luật Nhà ở 2023, như sau:

    - Trước khi hết thời hạn sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2023, chủ sở hữu có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền tặng cho hoặc bán nhà ở này cho đối tượng thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; nếu quá thời hạn được sở hữu nhà ở mà chủ sở hữu không bán, tặng cho thì nhà ở đó thuộc tài sản công.

    - Trong trường hợp cá nhân nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc xuất cảnh hoặc trục xuất, tổ chức nước ngoài bị buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam do vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trong sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của mình thì nhà ở này bị xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

    Thủ tục gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 95/2024/NĐ-CP thì thủ tục gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở được thực hiện như sau:

    Bước 1: Nộp hồ sơ

     Trước khi hết hạn sở hữu nhà ở tối thiểu 03 tháng, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu gia hạn thêm thời hạn sở hữu nhà ở thì gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến 01 bộ hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở để được xem xét, giải quyết, hồ sơ gồm:

    - Đơn đề nghị theo Mẫu số 01 của Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

    - Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất hoặc giấy chứng nhận về quyền sở hữu đối với nhà ở được cấp theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận)

    - Bản sao hộ chiếu còn giá trị của chủ sở hữu nhà ở có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy tờ pháp lý tương đương nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm đề nghị gia hạn (áp dụng đối với trường hợp chủ sở hữu nhà ở là cá nhân nước ngoài);

    - Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gia hạn thời gian hoạt động tại thời điểm đề nghị gia hạn (áp dụng đối với trường hợp chủ sở hữu nhà ở là tổ chức nước ngoài).

    Bước 2: Cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ

    - Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài , Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ:

    +Nếu vẫn đáp ứng đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở 2023 thì có văn bản chấp thuận gia hạn một lần thời hạn sở hữu nhà ở theo đề nghị của chủ sở hữu nhưng tối đa là 50 năm, kể từ khi hết hạn sở hữu nhà ở lần đầu ghi trên Giấy chứng nhận.

    + Đối với trường hợp chủ sở hữu nhà ở là tổ chức thì gia hạn thời hạn sở hữu tối đa bằng thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gia hạn hoạt động.

    Bước 3: Trả kết quả

    - Trường hợp không đáp ứng đúng đối tượng và điều kiện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản thông báo rõ lý do trả lời tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ.

    - Trường hợp chấp thuận việc gia hạn thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi văn bản chấp thuận này cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và gửi cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận.

    - Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chủ sở hữu nhà ở phải nộp văn bản chấp thuận gia hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kèm theo hồ sơ đề nghị đăng ký biến động thay đổi về thời hạn sở hữu nhà ở trên Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của pháp luật về đất đai.

    saved-content
    unsaved-content
    54