Nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ từ những nguồn nào?
Nội dung chính
Nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ từ những nguồn nào?
Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.
Trong đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024, nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ đến từ các nguồn như sau:
(1) Ngân sách nhà nước;
(2) Nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trích lại cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
(3) Đóng góp tự nguyện, tài trợ bằng tiền, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài;
(4) Hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và các quỹ hợp pháp khác;
(5) Nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ từ những nguồn nào? (Hình từ Internet)
Ngân sách nhà nước đảm bảo cho hoạt động phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ được sử dụng như thế nào?
Điều 50 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 quy định:
Ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
1. Nhà nước bảo đảm ngân sách để đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; ưu tiên phân bổ nguồn lực trong kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng và an ninh hằng năm của Ủy ban nhân dân các cấp phải có nội dung bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
2. Trong trường hợp cấp bách được sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
3. Nhà nước cấp ngân sách cho lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước để phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
4. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được sử dụng cho các nhiệm vụ sau đây:
a) Đầu tư, trang bị, xây dựng, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
b) Hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và lực lượng dân phòng;
c) Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;
d) Các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khác theo quy định của pháp luật.
5. Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước chi cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với các khu dân cư thuộc phạm vi quản lý chưa bảo đảm điều kiện về hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; đầu tư, trang bị, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, ngân sách nhà nước đảm bảo cho hoạt động phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ được phân bổ, sử dụng theo quy định trên.
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2025.