Loading


Nhà ở xã hội và nhà ở thương mại khác nhau như thế nào?Mua nhà ở xã hội phải có những điều kiện gì?

Nhà ở xã hội và nhà ở thương mại khác nhau như thế nào? Mua nhà ở xã hội phải có những điều kiện gì? Lãi suất, mức vốn, thời hạn cho vay mua nhà ở xã hội là bao nhiêu?

Nội dung chính

    Nhà ở xã hội và nhà ở thương mại khác nhau như thế nào?

    (1) Khái niệm

    - Nhà ở xã hội: Là loại nhà ở được Nhà nước hỗ trợ, dành riêng cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định pháp luật.

    - Nhà ở thương mại: Là loại nhà ở do các doanh nghiệp hoặc cá nhân đầu tư xây dựng nhằm mục đích bán, cho thuê, hoặc cho thuê mua theo cơ chế thị trường.

    (2) Đối tượng sử dụng

    - Nhà ở xã hội

    Căn cứ theo Điều 76 Luật Nhà ở 2023 quy định các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội bao gồm:

    + Những người có công với cách mạng và gia đình liệt sĩ: Thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của pháp luật.

    + Các hộ nghèo và cận nghèo ở nông thôn: Đối tượng cần được quan tâm hỗ trợ về nhà ở.

    + Những hộ dân nghèo và cận nghèo tại vùng nông thôn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai hoặc biến đổi khí hậu.

    + Các gia đình nghèo hoặc cận nghèo tại khu vực đô thị: Thuộc diện cần hỗ trợ về nơi ở.

    + Cư dân đô thị có thu nhập thấp: Nhóm đối tượng gặp khó khăn về nhà ở.

    + Công nhân và lao động phổ thông: Bao gồm những người làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, dù ở trong hay ngoài khu công nghiệp.

    + Nhân sự thuộc lực lượng vũ trang: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, công nhân công an, và các công chức, viên chức quốc phòng đang công tác; những người làm trong tổ chức cơ yếu được nhận lương từ ngân sách nhà nước.

    + Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước: Đối tượng thuộc nhóm điều chỉnh bởi pháp luật liên quan.

    + Người phải bàn giao lại nhà ở công vụ: Theo quy định tại khoản 4 Điều 125  Luật Nhà ở 2023, ngoại trừ trường hợp thu hồi vì vi phạm pháp luật.

    + Các hộ gia đình và cá nhân bị mất đất hoặc bị giải tỏa nhà ở, nhưng chưa được Nhà nước bồi thường bằng đất ở hay nhà ở mới.

    + Học sinh, sinh viên: Bao gồm sinh viên đại học, cao đẳng, trường nghề, trường chuyên biệt và học sinh tại các trường dân tộc nội trú công lập có nhu cầu chỗ ở trong thời gian học tập.

    + Doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong khu công nghiệp: Các đơn vị có nhu cầu hỗ trợ hoặc tạo điều kiện về chỗ ở cho người lao động.

    - Nhà ở thương mại: Mở rộng cho mọi công dân, bao gồm cả người nước ngoài. Tuy nhiên, tổ chức và cá nhân nước ngoài phải tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở.

    (3) Loại hình và tiêu chuẩn diện tích

    - Nhà ở xã hội:

    + Gồm hai loại: nhà chung cư và nhà ở riêng lẻ.

    + Căn hộ chung cư phải phải được thiết kế, xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội;

    + Nhà ở riêng lẻ phải phải được thiết kế, xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội;

    - Nhà ở thương mại:

    + Gồm cả nhà chung cư và nhà ở riêng lẻ, không bị giới hạn bởi tiêu chuẩn diện tích như nhà ở xã hội.

    + Thường đa dạng về diện tích, tiện ích và phân khúc thị trường.

    (4) Chính sách vay vốn hỗ trợ:

    - Nhà ở xã hội: Người mua có thể được hưởng lãi suất vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

    - Nhà ở thương mại: Không có lãi suất ưu đãi từ Nhà nước. Tuy nhiên, người mua có thể vay vốn từ nhiều ngân hàng thương mại với các điều kiện và mức lãi suất khác nhau.

    (5) Tính thương mại và giá trị đầu tư:

    - Nhà ở xã hội: Giá bán thường thấp hơn nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng bị giới hạn về quyền chuyển nhượng trong một thời gian nhất định.

    - Nhà ở thương mại: Tự do mua bán, chuyển nhượng, không bị hạn chế quyền sở hữu và sử dụng, thường có giá trị đầu tư cao hơn.

    Nhà ở xã hội và nhà ở thương mại khác nhau như thế nào?Mua nhà ở xã hội phải có những điều kiện gì?(Hình từ Internet)

    Các đối tượng mua nhà ở xã hội phải phải đáp ứng những điều kiện gì?

    Theo quy định tại Điều 78 Luật Nhà ở 2023, các đối tượng phải đáp ứng điều kiện mua nhà ở xã hội như sau:

    - Điều kiện về nhà ở

    + Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó;

    + Chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu;

    + Không đang ở nhà ở công vụ.

    - Điều kiện về thu nhập

    + Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị: phải thuộc trường hợp hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ.

    + Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…… phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định của Chính phủ.

    Lãi suất, mức vốn, thời hạn cho vay mua nhà ở xã hội là bao nhiêu?

    Căn cứ vào mục a khoản 3 Điều 48 Nghị định 100/2024/NĐ-CP các quy định về lãi suất, mức vốn vay và thời hạn vay đối với các chương trình hỗ trợ nhà ở được quy định cụ thể như sau:

    - Lãi suất cho vay: Lãi suất áp dụng cho các khoản vay này được xác định theo mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định tùy theo từng thời kỳ. Điều này có nghĩa là lãi suất sẽ được điều chỉnh định kỳ, phù hợp với các yếu tố kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn cụ thể.

    - Mức vốn vay: Mức vay được quy định có sự phân biệt rõ ràng tùy thuộc vào mục đích sử dụng vốn. Cụ thể đối với các hợp đồng mua, thuê hoặc thuê mua nhà, mức vốn vay tối đa có thể lên đến 80% giá trị hợp đồng.

    - Thời hạn vay: Thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Thời hạn này cho phép người vay có đủ thời gian để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ một cách hợp lý, trong khi vẫn đảm bảo khả năng thanh toán của người vay và khả năng thu hồi vốn của tổ chức tín dụng.

    saved-content
    unsaved-content
    48