Sau khi cải tạo thì chủ nhà có được phép tăng giá thuê nhà ở không?
Nội dung chính
Chủ nhà và người thuê có được thỏa thuận giá thuê nhà ở không?
Tại khoản 1 Điều 170 Luật Nhà ở 2023 có quy định, bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà ở theo định kỳ hoặc trả một lần; trường hợp Nhà nước có quy định về giá thuê nhà ở thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì chủ nhà và người thuê có quyền thỏa thuận giá thuê nhà ở. Tuy nhiên, trường hợp Nhà nước có quy định về giá thuê nhà ở thì các bên không được thỏa thuận mà phải thực hiện theo quy định đó.
Sau khi cải tạo thì chủ nhà có được phép tăng giá thuê nhà ở không? (Hình từ Internet)
Sau khi cải tạo thì chủ nhà có được phép tăng giá thuê nhà ở không?
Tại khoản 2 Điều 170 Luật Nhà ở 2023 có quy định, trường hợp bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và được bên thuê đồng ý thì bên cho thuê được quyền điều chỉnh giá thuê nhà ở nếu thời gian cho thuê còn lại từ một phần ba thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở trở xuống. Giá thuê nhà ở mới do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào quy định trên thì sau khi cải tạo nhà ở, chủ nhà được phép tăng giá thuê nhưng chỉ được tăng giá khi có đủ các điều kiện sau:
(1) Được người thuê đồng ý;
(2) Thời gian cho thuê nhà ở còn lại từ một phần ba thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở trở xuống.
Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại (1) và (2) thì chủ nhà không được phép tăng giá thuê. Trường hợp chủ nhà muốn tăng giá thuê mà không thỏa thuận được với người thuê thì chủ nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho người thuê theo quy định của pháp luật.
Sau khi cải tạo nhà ở mà chủ nhà tự ý tăng giá thuê thì người thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không?
Theo phân tích ở nội dung trước thì sau khi cải tạo nhà ở mà chủ nhà muốn tăng giá thuê thì phải thỏa thuận với người thuê và được người thuê đồng ý, không được tự ý tăng giá thuê.
Ngoài ra, tại điểm b khoản 3 Điều 172 Luật Nhà ở 2023 cũng nêu rõ, chủ nhà tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho người thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận trong hợp đồng thì người thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, sau khi cải tạo nhà ở mà chủ nhà tự ý tăng giá thuê bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho người thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận trong hợp đồng thì người thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Lưu ý: Người thuê đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận trong hợp đồng chủ nhà biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; trường hợp vi phạm quy định tại khoản này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (khoản 4 Điều 172 Luật Nhà ở 2023)
Ngoài trường hợp chủ nhà tự ý tăng giá thuê bất hợp lý và không báo trước theo hợp đồng thì người thuê được chấm dứt hợp đồng thuê nhà trong những trường hợp nào khác?
Căn cứ theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 3 Điều 172 Luật Nhà ở 2023, ngoài trường hợp chủ nhà tự ý tăng giá thuê bất hợp lý và không báo trước theo hợp đồng thì người thuê được chấm dứt hợp đồng thuê nhà trong những trường hợp sau:
(1) Chủ nhà không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;
(2) Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.