Loading


Sau khi phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, các khoản chi ngân sách không đúng quy định sẽ được xử lý ra sao?

Các khoản chi ngân sách nhà nước không đúng quy định sau khi phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước được xử lý như thế nào?

Nội dung chính

    Các khoản chi ngân sách nhà nước không đúng quy định sau khi phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước được xử lý như thế nào?

    Căn cứ Điều 73 Luật ngân sách nhà nước 2015 quy định về xử lý các khoản thu, chi ngân sách nhà nước không đúng quy định sau khi quyết toán ngân sách nhà nước được phê chuẩn như sau:

    Sau khi quyết toán ngân sách nhà nước và ngân sách các cấp chính quyền địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, trường hợp phát hiện thu, chi ngân sách không đúng quy định thì thực hiện xử lý theo quy định tại khoản 8 Điều 65 của Luật này và được quyết toán vào ngân sách năm xử lý.

    Theo khoản 8 Điều 65 Luật ngân sách nhà nước 2015 quy định về yêu cầu quyết toán ngân sách nhà nước như sau:

    8. Những khoản thu ngân sách nhà nước không đúng quy định của pháp luật phải được hoàn trả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đã nộp; những khoản thu ngân sách nhà nước nhưng chưa thu phải được truy thu đầy đủ cho ngân sách; những khoản chi ngân sách nhà nước không đúng với quy định của pháp luật phải được thu hồi đủ cho ngân sách.

    Như vậy, các khoản chi ngân sách nhà nước không đúng quy định sau khi phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước sẽ phải được thu hồi đủ cho ngân sách nhà nước và việc quyết toán vào ngân sách này sẽ được quyết toán vào năm xử lý thu hồi các khoản chi không đúng quy định.

    Sau khi phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, các khoản chi ngân sách không đúng quy định sẽ được xử lý ra sao? (Hình từ Internet)

    Tổ chức lập hồ sơ sai dẫn đến chi ngân sách nhà nước sai bị xử phạt như thế nào?

    Tại Điều 56 Nghị định 63/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 4 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định về hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

    1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo gửi Kho bạc Nhà nước để thanh toán, chi trả các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp (loại trừ các khoản chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư từ 500.000.000 đồng trở lên).

    2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo gửi Kho bạc Nhà nước để thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư từ 500.000.000 trở lên.

    Căn cứ quy định Điều 5 Nghị định 63/2019 /NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

    1. Mức phạt tiền quy định tại mục 1, mục 2, mục 3 và mục 4 Chương II, mục 1 Chương III, mục 1 Chương IV, mục 1 và mục 2 Chương V Nghị định này là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức; cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (trừ quy định tại Điều 17, Điều 23, Điều 27 Nghị định này).

    2. Khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

    3. Khi xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

    Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 87/2019/TT-BTC hướng dẫn hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

    1. Việc xác định các hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 56 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP. Hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự là hành vi vi phạm hành chính được xác định sau khi có kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

    2. Mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi được xác định như sau:

    a) Phạt tiền 12.500.000 đồng đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 56 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP nếu không có tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ.

    b) Phạt tiền 40.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều 56 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP nếu không có tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ.

    3. Biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 56 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm bị phát hiện sau khi Kho bạc Nhà nước đã thực hiện thanh toán, chi trả.

    Theo đó, tuỳ thuộc vào hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo gửi Kho bạc Nhà nước để thanh toán, chi trả khoản gì mà tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng hoặc từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi lập hồ sơ giả mạo để chi ngân sách nhà nước là gì?

    Căn cứ theo Điều 221 Bộ luật hình sự 2015 được sởi đổi bởi Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng:

    1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    a) Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán;

    b) Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật;

    c) Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán;

    d) Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật kế toán;

    đ) Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán.

    2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

    a) Vì vụ lợi;

    b) Có tổ chức;

    c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

    d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

    3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

    4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Như vậy, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập hồ sơ giả mạo để chi ngân sách nhà nước thì sẽ tuỳ vào tình tiết, mức độ vụ việc mà bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 20 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo quy định trên.

    saved-content
    unsaved-content
    839