Sử dụng đất ở để xây dựng cơ sở y tế với mục đích kinh doanh nên làm gì?
Nội dung chính
Sử dụng đất ở để xây dựng cơ sở y tế với mục đích kinh doanh có được không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất ở là loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, được sử dụng với mục đích làm nhà ở và các mục đích khác phục vụ cho đời sống trong cùng một thửa đất. Đất ở bao gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.
Theo điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất xây dựng cơ sở y tế là loại đất xây dựng công trình sự nghiệp thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, sử dụng với mục đích xây dựng các công trình về y tế gồm bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế, trạm y tế và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác; cơ sở phục hồi chức năng, cơ sở dưỡng lão trong y tế; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở dân số; cơ sở kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế; đất chăn nuôi động vật, đất nuôi, trồng dược liệu phục vụ mục đích y tế; cơ sở kiểm chuẩn, kiểm định; cơ sở giám định y khoa; cơ sở giám định pháp y; cơ sở sản xuất thuốc; cơ sở sản xuất thiết bị y tế; cơ sở điều trị cho người bị nhiễm HIV/AIDS người tâm thần và các cơ sở y tế khác được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động; kể cả phần diện tích để làm văn phòng, làm nơi kinh doanh, dịch vụ như bán thuốc, nhà hàng, nhà nghỉ cho người nhà bệnh nhân, bãi gửi xe có thu tiền thuộc phạm vi cơ sở y tế, trừ cơ sở y tế do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
Theo đó, căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024 thì đất ở được phép sử dụng kết hợp đa mục đích với việc xây dựng công trình sự nghiệp với mục đích kinh doanh.
Do đó, đất ở sẽ được phép sử dụng để xây dựng cơ sở y tế nhằm mục đích kinh doanh theo hướng sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Tuy nhiên, để được sử dụng đất kết hợp đa mục đích thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và yêu cầu của việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đồng thời phải lập phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định pháp luật.
Sử dụng đất ở để xây dựng cơ sở y tế với mục đích kinh doanh nên làm gì?(Hình Internet)
Sử dụng đất ở để xây dựng cơ sở y tế với mục đích kinh doanh cần có phải lập phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 218 Luật Đất đai 2024 thì khi sử dụng đất ở kết hợp xây dựng cơ sở y tế với mục đích kinh doanh sẽ phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo khoản 3 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích sẽ bao gồm các thông tin sau:
- Thông tin về người sử dụng đất;
- Thông tin về thửa đất, khu đất đang sử dụng vào mục đích chính, gồm: vị trí, diện tích, mục đích sử dụng, hình thức sử dụng đất (Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; Nhà nước giao đất, cho thuê đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm; đất do nhận chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp từ tổ chức, cá nhân khác); thời hạn sử dụng đất (thời hạn lâu dài, thời hạn sử dụng đất còn lại đối với trường hợp sử dụng đất có thời hạn);
- Thông tin về diện tích đất sử dụng kết hợp, gồm: vị trí, diện tích, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng kết hợp;
- Phương án xây dựng, cải tạo công trình đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích kết hợp có công trình xây dựng, gồm công trình xây dựng mới, công trình cải tạo công trình có sẵn;
- Phương án tháo dỡ công trình, khôi phục lại để đủ điều kiện sử dụng đất vào mục đích chính khi hết thời hạn sử dụng vào mục đích kết hợp;
- Cam kết, biện pháp theo quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; hạn chế ảnh hưởng bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề;
- Sơ đồ, bản đồ có liên quan đến thửa đất, khu đất sử dụng vào mục đích kết hợp.
Như vậy, khi muốn sử dụng đất ở kết hợp với xây dựng cơ sở y tế với mục đích kinh doanh thì người sử dụng đất phải lập phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích với các nội dung như trên để trình đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích nhằm sử dụng đất ở để xây dựng cơ sở y tế với mục đích kinh doanh như thế nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Người sử dụng đất chuẩn bị 1 bộ hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP
- Phương án sử dụng đất kết hợp
- Giấy chứng nhận đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Người sử dụng đất là cá nhân thì nộp hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện.
Người sử dụng đất là tổ chức thì nộp hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh.
Bước 3: Xử lý hồ sơ:
(1) Đối với cá nhân:
- Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp.
Thời gian thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do
(2) Đối với tổ chức:
- Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp.
Thời gian thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 4: Nhận kết quả:
Người sử dụng đất nhận kết quả tại cơ quan nộp hồ sơ.
Như vậy, khi muốn sử dụng đất ở để xây dựng cơ sở y tế nhằm mục đích kinh doanh thì người sử dụng tiến hành chuẩn bị hồ sơ và nộp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp có thẩm quyền theo chủ thể để được xem xét cho phép sử dụng đất kết hợp đa mục đích.