Thanh tra, kiểm tra về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất được cơ quan nào thực hiện?
Nội dung chính
Cơ quan nào thực hiện việc thanh tra, kiểm tra về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất?
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 12/2024/TT-BTNMT quy định về thanh tra, kiểm tra về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất như sau:
(1) Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Cơ sở đào tạo về các nội dung:
- Điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 36 Nghị định 71/2024/NĐ-CP;
- Quá trình triển khai thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất theo Kế hoạch đào tạo;
- Việc tổ chức đào tạo theo khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất quy định tại Điều 7 Thông tư 12/2024/TT-BTNMT;
- Việc quản lý đào tạo, cấp Giấy Chứng nhận, quản lý sử dụng mã Giấy Chứng nhận.
(2) Trường hợp Cơ sở đào tạo không đủ điều kiện và không tuân thủ các nội dung quy định tại mục (1) thì bị đưa ra khỏi danh sách công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, việc thanh tra, kiểm tra về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất được thực hiện bởi Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm đảm bảo các cơ sở đào tạo tuân thủ đúng quy định pháp luật và duy trì chất lượng đào tạo. Các nội dung thanh tra cụ thể được đề cập theo quy định trên.
Thanh tra, kiểm tra về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất được cơ quan nào thực hiện? (hình từ internet)
Điều kiện về cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất
Theo khoản 3 Điều 36 Nghị định 71/2024/NĐ-CP quy định điều kiện về cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất như sau:
Điều kiện của cá nhân hành nghề tư vấn xác định giá đất
...
3. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất phải đảm bảo các điều kiện sau:
a) Là cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức hoặc các tổ chức đào tạo khác do Nhà nước thành lập, cho phép hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Có ít nhất 03 giảng viên cơ hữu, người được mời thỉnh giảng đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, có trình độ thạc sĩ trở lên thuộc các ngành, chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính, bất động sản, thẩm định giá, kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng và có kinh nghiệm công tác từ 10 năm trở lên liên quan trực tiếp đến chuyên đề giảng dạy;
c) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, kiểm tra trong quá trình hoạt động. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất bao gồm các nội dung:
- Thời gian, hình thức đào tạo, bồi dưỡng trong đó thời gian học trực tiếp tập trung đảm bảo tối thiểu là 60% tổng thời lượng khoá đào tạo;
- Hồ sơ năng lực của đội ngũ giảng viên dự kiến giảng dạy (bao gồm giảng viên cơ hữu và người được mời thỉnh giảng);
- Giáo trình và tài liệu dự kiến giảng dạy được xây dựng trên cơ sở khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành;
- Bộ câu hỏi thi sát hạch hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất.
d) Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất phải tiến hành đánh giá quá trình tham gia đào tạo của người học, tổ chức sát hạch hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất, cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất và thực hiện lưu trữ thông tin trong vòng 10 năm trở lên.
Như vậy, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể như quy định trên để đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo.
Lựa chọn tổ chức thực hiện định giá đất như thế nào?
Căn cứ Điều 31 Nghị định 71/2024/NĐ-CP, việc chuẩn bị hồ sơ định giá đất cụ thể và lựa chọn tổ chức thực hiện định giá đất được quy định như sau:
(1) Cơ quan có chức năng quản lý đất đai có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ định giá đất cụ thể. Hồ sơ định giá đất cụ thể gồm:
- Mục đích định giá đất, thời gian thực hiện và dự toán kinh phí.
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, thu hồi đất.
- Các văn bản pháp lý khác liên quan đến thửa đất cần định giá.
Căn cứ hồ sơ định giá đất cụ thể, cơ quan có chức năng quản lý đất đai lựa chọn tổ chức thực hiện định giá đất theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 71/2024/NĐ-CP, cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn tổ chức thực hiện định giá đất để xây dựng bảng giá đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Trường hợp tại thời điểm đóng thầu, không có nhà thầu nào tham dự thì được gia hạn 01 lần.
- Sau khi gia hạn mà không lựa chọn được nhà thầu thì Sở Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện hoạt động tư vấn xác định giá đất.