Loading


Thể hiện đường đi trên sổ đỏ và quyền trổ cửa ra phía đường đi như thế nào?

Thể hiện đường đi trên sổ đỏ và quyền trổ cửa ra phía đường đi như thế nào? Tôi có mảnh đất mặt tiền khoảng 6m, sâu vào khoảng hơn 20m. Một cạnh liền kề với một nhà hàng xóm, cạnh còn lại liền với ngõ đi 2m của nhà hàng xóm. Sát tường nhà tôi là bức tường cao 1,5m của 3 gia đình kia. Xin hỏi: Khi làm sổ đỏ tôi có quyền được thể hiện đường không (đường có bức tường của 3 gia đình hàng xóm). Khi xây dựng tôi có được trổ cửa sổ phía đường đi của 3 hộ kia không? (đường này do mỗi gia đình họ tự bỏ ra 2m chiều rộng để họ làm đường đi chung, có xác nhận của UBND xã).

Nội dung chính

    Thể hiện đường đi trên sổ đỏ và quyền trổ cửa ra phía đường đi như thế nào?

    Thứ nhất, Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất quy định những nội dung được thể hiện trên sơ đồ thửa đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:

    Sơ đồ thửa đất thể hiện các thông tin gồm:

    - Hình thể thửa đất, chiều dài các cạnh thửa;

    - Số hiệu thửa hoặc tên công trình giáp ranh, chỉ dẫn hướng Bắc - Nam;

    - Chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới, mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình trên thửa đất cấp Giấy chứng nhận được thể hiện bằng đường nét đứt xen nét chấm kèm theo ghi chú loại chỉ giới, mốc giới;

    - Trường hợp thửa đất hợp nhất từ nhiều thửa khác có nguồn gốc, thời hạn sử dụng đất khác nhau hoặc có phần đất sử dụng riêng của một người và phần đất sử dụng chung của nhiều người thì thể hiện ranh giới giữa các phần đất bằng đường nét đứt xen nét chấm, kèm theo ghi chú thích theo mục đích của đường ranh giới đó.

    Trường hợp đất có nhà chung cư mà diện tích đất sử dụng chung của các chủ căn hộ là một phần diện tích của thửa đất thì phải thể hiện phạm vi ranh giới phần đất sử dụng chung đó

    Theo đó, các thửa đất giáp ranh với số hiệu cụ thể đều sẽ được thể hiện vào sơ đồ thửa đất để đảm xác định chính xác ranh giới, diện tích của thửa đất. Trong trường hợp của bạn, một mặt của thửa đất giáp với diện tích đất được sử dụng làm lối đi chung của các hộ gia đình khác. Vì là diện tích đất liền kề nên chắc chắn lối đi chung này cũng sẽ được ghi nhận vào sơ đồ thửa đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bạn.

    Thứ hai, vì lối đi chung đó là tài sản được sử dụng chung của các hộ gia đình, cho nên việc bạn muốn trổ cửa sổ ra lối đi chung cũng cần có sự đồng ý của các hộ gia đình còn lại. Nếu không có sự thỏa thuận của các bên, thì việc trổ cửa ra lối đi chung cũng vi phạm điều cấm của pháp luật, cụ thể là Khoản 11 Điều 12 Luật xây dựng 2014 quy định cấm: “Sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung”. Trong trường hợp này, việc trổ cửa sổ cũng phải tuân theo quy định của Điều 178 Bộ Luật Dân sự 2015:

    1. Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng.

    2. Mặt dưới mái che trên cửa ra vào, mặt dưới mái che cửa sổ quay ra đường đi chung phải cách mặt đất từ 2,5 mét trở lên.

    Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thể hiện đường đi trên sổ đỏ và quyền trổ cửa ra phía đường đi. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ Luật Dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    368