Loading


Thời gian dự bị của Đảng viên dự bị là bao lâu? Hồ sơ và thủ tục xét công nhận Đảng viên dự bị lên Đảng viên chính thức gồm những gì?

Hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức gồm những gì? Cá nhân được xem xét kết nạp vào Đảng cần phải có ít nhất bao nhiêu Đảng viên chính thức giới thiệu?

Nội dung chính

    Thời gian dự bị của Đảng viên trong bao lâu?

    Tại Điều 5 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định như sau:

    1. Người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị mười hai tháng, tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp. Trong thời kỳ dự bị, chi bộ tiếp tục giáo dục, rèn luyện và phân công đảng viên chính thức giúp đảng viên đó tiến bộ.
    2. Khi hết thời kỳ dự bị, chi bộ xét công nhận đảng viên chính thức từng người một và biểu quyết như khi xét kết nạp; nếu không đủ tư cách đảng viên thì đề nghị lên cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị.
    3. Nghị quyết của chi bộ về đề nghị công nhận đảng viên chính thức phải được cấp uỷ có thẩm quyền quyết định.
    4. Đảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp.

    Như vậy, sau khi được kết nạp Đảng, Đảng viên sẽ trải qua thời gian dự bị là 12 tháng, tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp.

    Thời gian dự bị của Đảng viên trong bao lâu? (Hình từ internet)

    Hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức gồm những gì?

    Căn cứ Mục 4 Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021 quy định hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức gồm:

    4. Hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức (kể cả kết nạp lại), gồm có:
    4.1. Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng đảng viên mới
    Đảng viên dự bị phải học lớp bồi dưỡng đảng viên mới, được trung tâm chính trị cấp huyện hoặc cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên cấp giấy chứng nhận theo mẫu của Ban Tổ chức Trung ương.
    4.2. Bản tự kiểm điểm của đảng viên dự bị
    Sau 12 tháng, kể từ ngày chi bộ kết nạp, đảng viên dự bị viết bản tự kiểm điểm nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm về thực hiện nhiệm vụ đảng viên và biện pháp khắc phục khuyết điểm, tồn tại; đề nghị chi bộ xét, công nhận đảng viên chính thức.
    4.3. Bản nhận xét về đảng viên dự bị của đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ
    Đảng viên được phân công giúp đỡ viết bản nhận xét đảng viên dự bị nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm, lập trường tư tưởng, nhận thức về Đảng, đạo đức, lối sống và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của đảng viên dự bị; báo cáo chi bộ.
    4.4. Bản nhận xét của đoàn thể chính trị - xã hội nơi làm việc và chi ủy nơi cư trú
    Chi ủy có đảng viên dự bị tổng hợp ý kiến nhận xét của đoàn thể chính trị - xã hội mà người đó là thành viên; ý kiến nhận xét của chi ủy hoặc chi bộ (nơi chưa có chi ủy) nơi cư trú đối với đảng viên dự bị để báo cáo chi bộ.
    Trường hợp đặc biệt không phải lấy ý kiến nhận xét của chi ủy hoặc chi bộ nơi cư trú đối với đảng viên dự bị thực hiện theo quy định của Ban Bí thư.
    4.5. Nghị quyết của chi bộ, đảng ủy cơ sở và quyết định công nhận đảng viên chính thức của cấp ủy có thẩm quyền
    a) Nội dung và cách tiến hành của chi bộ, đảng ủy bộ phận (nếu có), đảng ủy cơ sở, cấp có thẩm quyền xét, quyết định công nhận đảng viên chính thức thực hiện theo Điểm 3.6 và 3.7, Mục 3 của Hướng dẫn này.
    b) Sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận đảng viên chính thức, chi ủy công bố quyết định trong kỳ sinh hoạt chi bộ gần nhất.
    4.6. Thủ tục xoá tên đảng viên dự bị vi phạm tư cách
    a) Chi bộ xem xét, nếu có hai phần ba đảng viên chính thức trở lên biểu quyết đồng ý xoá tên đảng viên dự bị thì ra nghị quyết, báo cáo cấp ủy cấp trên.
    b) Đảng ủy cơ sở xem xét, nếu có hai phần ba đảng ủy viên trở lên biểu quyết đồng ý xoá tên đảng viên dự bị thì ra nghị quyết, báo cáo cấp ủy có thẩm quyền.
    c) Ban thường vụ cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên xem xét, nếu có trên một nửa số thành viên biểu quyết đồng ý xoá tên thì ra quyết định xoá tên.
    d) Đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên ra quyết định xoá tên đảng viên dự bị nếu được sự đồng ý của ít nhất hai phần ba đảng ủy viên đương nhiệm.

    Theo đó, khi bạn muốn trở thành đảng viên chính thức thì bạn cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức gồm những thủ tục nêu trên.

    Cá nhân được xem xét kết nạp vào Đảng cần phải có ít nhất bao nhiêu Đảng viên chính thức giới thiệu?

    Tại Điều 4 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định như sau:

    Điều 4.
    Thủ tục kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại):
    1. Người vào Đảng phải:
    - Có đơn tự nguyện xin vào Đảng;
    - Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ;
    - Được hai đảng viên chính thức giới thiệu.
    Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
    Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
    2. Người giới thiệu phải:
    - Là đảng viên chính thức và cùng công tác với người vào Đảng ít nhất một năm;
    - Báo cáo với chi bộ về lý lịch, phẩm chất, năng lực của người vào Đảng và chịu trách nhiệm về sự giới thiệu của mình. Có điều gì chưa rõ thì báo cáo để chi bộ và cấp trên xem xét.
    ...

    Theo đó, cá nhân được xem xét kết nạp vào Đảng cần phải có hai Đảng viên chính thức giới thiệu.

    Lưu ý: người giới thiệu phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011.

    saved-content
    unsaved-content
    1282