Loading


Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã

Có thể hòa giải tranh chấp đất đai thông qua các phương thức nào? Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã? Hướng dẫn viết đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai

Nội dung chính

    Có thể hòa giải tranh chấp đất đai thông qua các phương thức nào?

    Theo quy định tại khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai 2024, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

    Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

    Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 Luật Đất đai 2024, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND xã nơi có đất tranh chấp.

    Căn cứ vào các quy định nêu trên, các bên có thể thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai thông qua các phương thức hòa giải sau:

    (1) Tự hòa giải;

    (2) Hòa giải tại cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

    (3) Hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại;

    (4) Cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

    (5) Hòa giải tại UBND xã nơi có đất tranh chấp.

    Trong đó, Nhà nước khuyến khích hòa giải theo các phương thức quy định tại (1), (2), (3) và (4). Đối với phương thức hòa giải nêu tại (5) thì là bắt buộc.

    Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã

    Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã (Hình từ Internet)

    Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã

    Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã được quy định tại tiểu mục 1 Mục D Phần II Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Quyết định 2124/QĐ-BTNMT năm 2024, cụ thể như sau:

    (1) Trình tự thực hiện:

    - Người đề nghị nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã.

    - Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, UBND xã phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    - Thẩm tra, xác minh nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.

    - Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm:

    + Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng;

    + Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;

    + Công chức làm công tác địa chính;

    + Người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có).

    Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời người đại diện cho cộng đồng dân cư quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Đất đai 2024; người có uy tín trong dòng họ ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc, công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã; đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã; cá nhân, tổ chức khác có liên quan tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai.

    - Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

    - Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm các nội dung: thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp theo kết quả xác minh; ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

    Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp, trường hợp biên bản gồm nhiều trang thì phải ký vào từng trang biên bản, đóng dấu của UBND xã và gửi ngay cho các bên tranh chấp, đồng thời lưu tại UBND xã.

    - Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch UBND xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét, giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.

    - Trường hợp hòa giải không thành thì UBND xã hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.

    (2) Cách thức thực hiện:

    Người có đơn yêu cầu hòa giải gửi đơn đến UBND cấp xã.

    (3) Thành phần, số lượng hồ sơ:

    Thành phần hồ sơ

    - Đơn yêu cầu yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai (bản chính);

    - Các giấy tờ có liên quan đến việc sử dụng đất (bản phô tô hoặc có công chức hoặc có chứng thực).

    Số lượng hồ sơ: 01 bộ

    (4) Thời hạn giải quyết:

    Thời hạn giải quyết: không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai.

    Hướng dẫn viết đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai

    Hiện nay, pháp luật không có quy định về mẫu đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai cụ thể, tuy nhiên, có thể tham khảo mẫu đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai (Tải về) dưới đây

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    …….ngày…..tháng….. năm…..

    ĐƠN ĐỀ NGHỊ HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

    Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn)....................................

    Họ và tên: ................................................................................................

    Sinh năm:.................................................................................................

    CMND/CCCD số: ....................................................................................

    Ngày cấp: ………………… Nơi cấp:.........................................................

    Nơi ở hiện nay: .......................................................................................

    Nơi đăng ký thường trú tại: ....................................................................

    Tôi viết đơn này đề nghị UBND xã (phường, thị trấn) giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình tôi với gia đình ông (bà):......................................................

    Tôi trình bày sự việc như sau:...............................................................

    ...............................................................................................................

    ..............................................................................................................

    ..............................................................................................................

    ..............................................................................................................

    .............................................................................................................

    Đến nay, mặc dù hai bên đã thương lượng và tự hòa giải nhưng không thể giải quyết tranh chấp trên. Do vậy, tôi làm đơn này đề nghị UBND xã (phường, thị trấn) tổ chức hòa giải tranh chấp đất giữa gia đình tôi với gia đình ông: ……, trú tại …………….. nhằm xác định người có quyền sử dụng đối với diện tích đang xảy ra tranh chấp theo đúng quy định.

    Tôi cam đoan với UBND những thông tin trên hoàn toàn đúng sự thật.

    Kính mong UBND xem xét đơn đề nghị và sớm tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định.

    Tôi chân thành cảm ơn !

               Tài liệu kèm theo:                                     NGƯỜI VIẾT ĐƠN

               -...........................                                        (ký, ghi rõ họ tên)

     

    Hướng dẫn cách viết đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai trên như sau:

    (1) Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) + tên xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.

    (2) Ghi rõ thông tin của người đề nghị hòa giải

    Ví dụ: Họ và tên: Nguyễn Văn A....................................................................

    Sinh năm: 1/1/2xxx.................................................................................................

    CMND/CCCD số: 12345xxxx....................................................................................

    Ngày cấp: 15/1/2xxx………………… Nơi cấp: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội

    Nơi ở hiện nay: 01 Trần B, xã C, huyện D, tỉnh E...............................

    Nơi đăng ký thường trú tại: 02 Trần C, xã H, huyện K, tỉnh Y...............................

    (3) Ghi rõ là tranh chấp với ai

    Ví dụ: Tôi viết đơn này đề nghị UBND xã (phường, thị trấn) giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình tôi với gia đình ông (bà): Lê Thị V

    (4) Trình bày sự việc:

    Người viết cần tường thuật lại diễn biến sự việc dẫn đến tranh chấp đất đai một cách chi tiết theo trình tự thời gian, từ nguyên nhân ban đầu đến các sự kiện sau đó. Cần nêu rõ những hành vi cụ thể của bên tranh chấp (như hành vi lấn chiếm đất, nếu có) và thông tin về việc đã từng tự hòa giải hoặc qua hòa giải viên tại cơ sở (nếu đã thực hiện).

    (5) Nêu yêu cầu giải quyết:

    Dựa vào loại tranh chấp cụ thể mà người viết cần đưa ra yêu cầu rõ ràng, thường là đề nghị tổ chức hòa giải xác định người có quyền sử dụng đất hợp pháp là ai, hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp mốc giới giữa hai mảnh đất liền kề.

    (6) Tài liệu kèm theo (nếu có):

    Các tài liệu liên quan cần đính kèm bao gồm: Sổ đỏ hoặc Sổ hồng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc các giấy tờ khác liên quan đến quyền sử dụng đất. Ngoài ra, có thể bổ sung văn bản ghi nhận ý kiến của người biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất.

    saved-content
    unsaved-content
    45