Loading


Tổ chức trong nước có được mở phòng khám đa khoa bằng cách thuê mặt bằng dịch vụ thương mại trong khu chung cư không?

Tổ chức trong nước có được thuê mặt bằng dịch vụ thương mại trong khu chung cư để mở phòng khám đa khoa không?

Nội dung chính

    Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa là gì?

    Căn cứ theo Điều 42 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa như sau:

    Ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung theo quy định tại Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, phòng khám đa khoa phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:

    Quy mô, cơ cấu tổ chức phòng khám:

    - Có từ ba chuyên khoa trở lên trong đó có tối thiểu hai trong bốn chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi; có bộ phận cận lâm sàng (xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh); có phòng cấp cứu, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu), phòng lưu người bệnh;

    - Trường hợp phòng khám đa khoa đáp ứng đủ điều kiện tương ứng với các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác quy định tại Điều 39 Nghị định này (trừ hình thức tổ chức bệnh viện) thì được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng với hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

    Cơ sở vật chất, nhân sự:

    (1) Các phòng khám trong phòng khám đa khoa phải đáp ứng các yêu cầu diện tích như sau:

    - Phòng cấp cứu có diện tích tối thiểu 12m2;

    - Phòng lưu người bệnh có diện tích tối thiểu 15m2; có tối thiểu từ 02 giường lưu trở lên, nếu có từ 03 giường lưu trở lên thì diện tích phải bảo đảm tối thiểu 05m2 trên một giường bệnh;

    - Các phòng khám chuyên khoa có diện tích tối thiểu 10m2;

    - Trường hợp có thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật thì ngoài phòng khám chuyên khoa phải có thêm phòng để thực hiện kỹ thuật, thủ thuật có diện tích tối thiểu 10m2; nếu có thực hiện kỹ thuật vận động trị liệu thì phòng để thực hiện kỹ thuật, thủ thuật phải có diện tích tối thiểu 20m2.

    (2) Có khu vực tiệt khuẩn để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt khuẩn lại hoặc có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiệt khuẩn dụng cụ.

    (3) Trường hợp thực hiện chế biến, bào chế thuốc cổ truyền thì phải đáp ứng tiêu chuẩn chế biến, bào chế thuốc cổ truyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

    Có hộp cấp cứu phản vệ và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa phù hợp với các chuyên khoa thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám.

    Tổ chức trong nước có được mở phòng khám đa khoa bằng cách thuê mặt bằng dịch vụ thương mại trong khu chung cư không?

    Tổ chức trong nước có được mở phòng khám đa khoa bằng cách thuê mặt bằng dịch vụ thương mại trong khu chung cư không? (Hình từ Internet)

    Thủ tục đề nghị cấp Giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa như thế nào?

    Thành phần hồ sơ (Căn cứ khoản 1 Điều 60 Nghị định 96/2023/NĐ-CP)

    (1) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động (theo Mẫu 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP);

    (2) Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của Phòng khám hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với phòng khám đa khoa tư nhân) hoặc giấy chứng nhận đầu tư (đối với phòng khám đa khoa có vốn đầu tư nước ngoài);

    (3) Bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề và giấy xác nhận quá trình hành nghề theo Mẫu 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, người phụ trách bộ phận chuyên môn của phòng khám (không áp dụng đối với trường hợp các giấy tờ này đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);

    (4) Danh sách ghi rõ họ tên, số giấy phép hành nghề của từng người hành nghề đăng ký hành nghề (theo Mẫu 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP)

    (5) Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và danh sách nhân sự của phòng khám (theo Mẫu 08 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP);

    (6) Tài liệu chứng minh phòng khám đa khoa đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám đa khoa;

    (7) Danh mục chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa đề xuất trên cơ sở Danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

    (8) Trường hợp đề nghị cấp lần đầu giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh nhân đạo hoặc cơ sở khám bệnh không vì mục đích lợi nhuận thì phải có tài liệu chứng minh nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động khám bệnh nhân đạo hoặc hoạt động khám bệnh không vì mục đích lợi nhuận.

    Trình tự giải quyết (Căn cứ Điều 61 Nghị định 96/2023/NĐ-CP)

    - Nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp mới và nộp phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động (sau đây viết tắt là cơ quan cấp giấy phép hoạt động).

    - Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp cho cơ sở đề nghị phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP.

    - Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ:

    + Cơ quan cấp giấy phép hoạt động tổ chức thẩm định điều kiện hoạt động và danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở đề nghị và lập biên bản thẩm định trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ;

    + Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải cấp mới giấy phép hoạt động và ban hành quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành biên bản thẩm định;

    + Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải nêu rõ trong nội dung của biên bản thẩm định.

    Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo và tài liệu chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa của cơ sở đề nghị, cơ quan cấp giấy phép hoạt động có thể tiến hành kiểm tra thực tế việc khắc phục, sửa chữa của cơ sở đề nghị trong trường hợp cần thiết hoặc thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động. Trường hợp không cấp giấy phép hoạt động phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

    - Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ:

    + Cơ quan cấp giấy phép hoạt động phải có văn bản gửi cơ sở đề nghị, trong đó phải nêu cụ thể các tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ.

    + Sau khi sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ sở đề nghị gửi văn bản thông báo và tài liệu chứng minh đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung.

    + Sau khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp giấy phép hoạt động có trách nhiệm thực hiện trình tự theo quy định.

    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép hoạt động, cơ quan cấp giấy phép hoạt động công bố trên cổng thông tin điện tử của mình và trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh các thông tin sau: tên, địa chỉ cơ sở được cấp giấy phép hoạt động; họ, tên và số giấy phép hành nghề người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật; số giấy phép hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn và thời gian hoạt động chuyên môn.

    - Giấy phép hoạt động được lập thành 02 bản theo quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP: 01 bản cấp cho cơ sở đề nghị và 01 bản lưu tại cơ quan cấp giấy phép hoạt động trừ trường hợp đã trả kết quả trên môi trường điện tử.

    Tổ chức trong nước có được thuê mặt bằng dịch vụ thương mại trong khu chung cư để mở phòng khám đa khoa có được không?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Kinh doanh bất động sản 2023, tổ chức trong nước được thuê nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng để sử dụng, kinh doanh.

    Bên cạnh đó, tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 nêu rõ bên thuê nhà ở, công trình xây dựng có sẵn có nghĩa vụ sử dụng nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng đã mua, thuê, thuê mua theo đúng công năng; thực hiện các quy định của pháp luật trong việc phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh, môi trường, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

    Ngoài ra, điểm d khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2023 quy định tự ý thay đổi mục đích sử dụng phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng là hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

    Căn cứ vào các quy định nêu trên, tổ chức có quyền thuê mặt bằng dịch vụ thương mại trong khu chung cư để mở phòng khám đa khoa, tuy nhiên, việc thuê này phải đáp ứng điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh, môi trường, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phù hợp với công năng sử dụng của mặt bằng dịch vụ thương mại trong khu chung cư. Đồng thời, phòng khám đa khoa cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được cấp phép hoạt động và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định pháp luật.

    saved-content
    unsaved-content
    58