Loading


Trả giá đất 30 tỷ đồng một m2 rồi bỏ đấu giá đất bị phạt như thế nào?

Trả giá đất 30 tỷ đồng một m2 rồi bỏ đấu giá đất bị phạt như thế nào? Nguyên tắc đấu giá tài sản? Quy định về quy chế cuộc đấu giá? Ai không được đăng ký tham gia đấu giá?

Nội dung chính

    Trả giá đất 30 tỷ đồng một m2 rồi bỏ đấu giá đất bị phạt như thế nào?

    Căn cứ theo điểm c khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá là một trong những hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá.

    Do đó, hành vi trả giá đất 30 tỷ đồng một m2 rồi bỏ đấu giá đất là một trong những hành vi nghiêm cấm trong đấu giá tài sản.

    Ngoài ra, căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:

    Hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản
    1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
    a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
    b) Cản trở hoạt động đấu giá; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;
    ...

    Hành vi trả giá đất 30 tỷ đồng một m2 rồi bỏ đấu giá đất có thể bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo như quy định nêu trên.

    Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra cơ quan phát hiện hoạt động có thông đồng nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản thì căn cứ tại Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản như sau:

    (1) Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

    - Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

    - Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;

    - Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

    (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    - Có tổ chức;

    - Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

    - Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;

    - Phạm tội 02 lần trở lên;

    - Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

    (3) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, với hành vi trả giá đất 30 tỷ đồng một m2 rồi bỏ đấu giá đất người vi phạm có thể bị phạt hành chính từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

    Lưu ý: Mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP)

    Ngoài ra, còn có thể bị xử lý hình sự như sau:

    - Phạt từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm;

    - Còn đối với trường hợp phạm tội từ 2 lần trở lên, hoặc có tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Trả giá đất 30 tỷ đồng một m2 rồi bỏ đấu giá đất bị phạt như thế nào?

    Trả giá đất 30 tỷ đồng một m2 rồi bỏ đấu giá đất bị phạt như thế nào? (Hình từ Internet)

    Nguyên tắc đấu giá tài sản quy định như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 6 Luật Đấu giá tài sản 2016  quy định nguyên tắc đấu giá tài sản như sau:

    - Tuân thủ quy định của pháp luật.

    - Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan.

    - Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên.

    - Cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành, trừ trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện.

    Như vậy, nguyên tắc đấu giá tài sản được thực hiện dựa theo nguyên tắc như trên.

    Quy định về quy chế cuộc đấu giá như thế nào?

    Căn cứ Điều 34 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định về quy chế cuộc đấu giá như sau:

    (1) Tổ chức đấu giá tài sản ban hành Quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản.

    (2) Quy chế cuộc đấu giá bao gồm những nội dung chính sau đây:

    - Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá;

    - Thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá;

    - Thời gian, địa điểm bán hồ sơ tham gia đấu giá;

    - Giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong trường hợp công khai giá khởi điểm;

    - Tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước;

    - Thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá;

    - Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá;

    - Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá;

    - Các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá; các trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước.

    (3) Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá.

    Như vậy, quy chế cuộc đấu giá được thực hiện dựa theo quy định cụ thể như trên.

    Ai không được đăng ký tham gia đấu giá?

    Căn cứ theo khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá:

    - Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;

    - Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản;

    - Người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật;

    - Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại điểm c khoản này;

    - Người không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó.

    Như vậy, những người trên đây không được đăng ký tham gia đấu giá theo như quy định.

    saved-content
    unsaved-content
    138