Loading


Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở thuộc tài sản công là gì?

Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở thuộc tài sản công là gì? Nhà ở thuộc tài sản công bao gồm những gì? Đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công bao gồm những ai?

Nội dung chính

    Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở thuộc tài sản công là gì?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 58 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định cơ quan quản lý nhà ở thuộc tài sản công quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 95/2024/NĐ-CP có các trách nhiệm sau đây:

    - Rà soát, thống kê, phân loại nhà ở được giao quản lý; tiếp nhận nhà ở tự quản do các cơ quan đang quản lý chuyển giao để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở;

    - Lập kế hoạch bảo trì, cải tạo hoặc xây dựng lại nhà ở để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định hoặc quyết định việc bảo trì nhà ở nếu được cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở giao thực hiện;

    - Lập, lưu trữ hồ sơ nhà ở và giao 01 bộ hồ sơ hoàn công (đối với trường hợp xây dựng mới) hoặc hồ sơ đo đạc lại (đối với nhà ở cũ thuộc tài sản công) cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở;

    - Đối với trường hợp nhà ở cũ thuộc tài sản công mà đã được bố trí sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở thì cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm thành lập Hội đồng xác định giá bán nhà ở, bao gồm đại diện cơ quan chuyên môn cấp tỉnh: xây dựng, tài nguyên và môi trường, tài chính, quy hoạch và kiến trúc (nếu có);

    + Trường hợp bán nhà ở cũ thuộc tài sản công do Bộ Quốc phòng quản lý thì có thêm đại diện của Bộ Quốc phòng;

    - Báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở quyết định các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Nhà ở 2023, trừ trường hợp được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Nhà ở 2023;

    - Thực hiện việc mua bán, cho thuê mua nhà ở được giao quản lý;

    - Thực hiện quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc bán, cho thuê, cho thuê mua, bảo hành, bảo trì, quản lý vận hành nhà ở;

    + Phối hợp cơ quan tài chính cùng cấp hướng dẫn hoạt động thu, chi tài chính của đơn vị quản lý vận hành nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan;

    + Tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình quản lý, sử dụng nhà ở theo quy định;

    - Kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công;

    - Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và do cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở giao.

    Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở thuộc tài sản công là gì?

    Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở thuộc tài sản công là gì? (Hình từ Internet)

    Nhà ở thuộc tài sản công bao gồm những gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2023 quy định nhà ở thuộc tài sản công bao gồm cụ thể như sau:

    - Nhà ở công vụ bao gồm nhà ở công vụ của trung ương và nhà ở công vụ của địa phương theo quy định của pháp luật về nhà ở;

    - Nhà ở phục vụ tái định cư do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại để bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về nhà ở nhưng chưa bố trí tái định cư;

    - Nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước đầu tư xây dựng để bố trí cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;

    - Nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2023 được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật trong các thời kỳ và đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở;

    - Nhà ở của chủ sở hữu khác được chuyển thành sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2023.

    Đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công bao gồm những ai?

    Căn cứ theo Điều 14 Luật Nhà ở 2023 quy định đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công như sau:

    (1) Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương; nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý.

    (2) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mua hoặc đầu tư xây dựng, nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý.

    - Đối với nhà ở thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2023 do Bộ Quốc phòng đang quản lý cho thuê thì Bộ Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu nhà ở, trừ trường hợp chuyển giao nhà ở này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật.

    (3) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương khác (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương) là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc cơ quan đó đang quản lý.

    (4) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Nhà ở 2023 do địa phương quản lý và nhà ở được giao quản lý trên địa bàn.

    saved-content
    unsaved-content
    34