Báo cáo tình hình quản lý nhà ở thuộc tài sản công được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Báo cáo tình hình quản lý nhà ở thuộc tài sản công được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 61 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định việc báo cáo tình hình quản lý nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện như sau:
(1) Việc báo cáo tình hình quản lý nhà ở thuộc tài sản công được quy định như sau:
- Đơn vị quản lý vận hành nhà ở thực hiện báo cáo cơ quan quản lý nhà ở;
- Cơ quan quản lý nhà ở thực hiện báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở đối với nhà ở đang được giao quản lý;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương đang quản lý nhà ở thuộc tài sản công báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình quản lý, sử dụng nhà ở thuộc phạm vi quản lý;
- Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công trên phạm vi cả nước.
(2) Nội dung và chế độ báo cáo được quy định như sau:
- Nội dung báo cáo bao gồm:
+ Tổng số nhà ở và diện tích sử dụng của từng loại nhà ở thuộc tài sản công (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ);
+ Tổng số nhà ở đang cho thuê, thuê mua, số nhà ở đã bán;
+ Tổng số tiền thu được từ cho thuê, thuê mua, bán nhà ở tính đến thời điểm báo cáo;
+ Các trường hợp đã thu hồi nhà ở, trường hợp đã chuyển đổi công năng nhà ở và tình hình quản lý, sử dụng sau khi thu hồi hoặc sau khi chuyển đổi công năng nhà ở;
- Các cơ quan quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 61 Nghị định 95/2024/NĐ-CP có trách nhiệm báo cáo tình hình quản lý, sử dụng nhà ở định kỳ vào tháng 12 hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng.
Báo cáo tình hình quản lý nhà ở thuộc tài sản công được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 79 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 78 Nghị định 95/2024/NĐ-CP được quy định như sau:
- Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn phải bàn giao nhà ở theo quyết định thu hồi nhà ở mà người đang sử dụng nhà ở không bàn giao nhà ở thì đơn vị quản lý vận hành nhà ở phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý nhà ở đề nghị cưỡng chế thu hồi nhà ở;
- Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của đơn vị quản lý vận hành nhà ở, cơ quan quản lý nhà ở phải kiểm tra và có tờ trình kèm theo dự thảo quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở xem xét, ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở;
- Trong thời hạn tối đa 10 ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình của cơ quan quản lý nhà ở, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở có trách nhiệm xem xét, ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở và gửi quyết định này cho cơ quan quản lý nhà ở, đơn vị quản lý vận hành nhà ở và người đang trực tiếp sử dụng nhà ở biết để thực hiện.
+ Trường hợp cơ quan trung ương ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thì cơ quan này phải có văn bản kèm theo quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở phối hợp tổ chức cưỡng chế thu hồi;
- Trường hợp nhà ở không thuộc diện phải tổ chức cưỡng chế thu hồi thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở và đơn vị quản lý vận hành nhà ở biết để tiếp tục thực hiện quản lý theo quy định.
+ Đối với nhà ở đang do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý thì cơ quan có chức năng quản lý nhà ở của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được quyền ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở nếu được giao thực hiện;
- Trên cơ sở quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở trực tiếp hoặc giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, cơ quan công an cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế thu hồi và bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý vận hành quản lý nhà ở theo quy định.
+ Việc bàn giao nhà ở phải được lập thành biên bản có xác nhận của các cơ quan tham gia cưỡng chế thu hồi.
+ Kinh phí tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở do địa phương chi trả từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
- Thời hạn thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở tối đa 30 ngày, kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở.
+ Việc cưỡng chế thu hồi nhà ở được thực hiện trong giờ hành chính; cơ quan chủ trì thực hiện việc cưỡng chế thu hồi phải kiểm đếm, di chuyển tài sản của người đang sử dụng nhà ở bị thu hồi đến địa điểm khác trong trường hợp người bị thu hồi không tự di chuyển tài sản trong nhà ở bị thu hồi;
- Sau khi thu hồi nhà ở, đơn vị quản lý vận hành nhà ở phải có văn bản báo cáo về việc đã hoàn thành thu hồi nhà ở và phương án quản lý, sử dụng hoặc việc phá dỡ để xây dựng lại nhà ở gửi cơ quan quản lý nhà ở để báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà ở xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở 2023 quy định điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm như sau:
- Tổ chức, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; nhận nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật; hình thức khác theo quy định của pháp luật;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Nhà ở 2023.