Truy thu thuế bán hàng online? Xác định số thuế phải nộp đối với người bán hàng online như thế nào?
Nội dung chính
Bán hàng online có phải đóng thuế không?
Đồng thời theo Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về nguyên tắc tính thuế như sau:
- Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Như vậy, người bán hàng online, gồm cả cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh, có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên trong năm dương lịch thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo quy định trên.
Truy thu thuế bán hàng online (Hình từ Internet)
Xác định số thuế TNCN, thuế GTGT phải nộp đối với người bán hàng online như thế nào?
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC, xác định số thuế TNCN, thuế GTGT phải nộp đối với người bán hàng online như sau:
(1) Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
(2) Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
- Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm:
+ Thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền;
+ Các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định;
+ Các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN);
+ Doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 40/2021/TT-BTC.
Truy thu thuế bán hàng online?
Theo quy định tại Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Như đã phân tích trước đó, người bán hàng online, gồm cả cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh, có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên trong năm dương lịch thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh bán hàng online vẫn chưa đăng ký thuế, vẫn còn các trường hợp chưa tuân thủ quy định của pháp luật về thuế.
Các phương pháp kê khai, nộp thuế mà cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh bán hàng online có thể áp dụng theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC bao gồm:
- Phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
- Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định.
- Phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.
- Phương pháp tổ chức khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân; tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trong các trường hợp theo quy định của pháp luật, trong đó, tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.
Khi trốn thuế, cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng online có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP, đối với hành vi trốn thuế đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017)
Theo khoản 6 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Điểm đ khoản 1 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019 cũng quy định rõ trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế do hết thời hiệu xử phạt nhưng bị truy thu số tiền thuế thiếu thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.
Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Thời hạn truy thu thuế chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào ngân sách nhà nước.
Có thể thấy việc truy thu thuế bán hàng online đối với các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh là phù hợp với quy định pháp luật về thuế.