Từ ngày 01/8/2024, cho phép xây nhà ở trên đất trồng lúa?
Nội dung chính
Phân loại đất trồng lúa
Theo điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024, điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất trồng lúa là đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Theo đó, đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm:
- Đất chuyên trồng lúa (từ 02 vụ lúa trở lên)
- Đất trồng lúa còn lại.
* Theo khoản 2 Điều 182 Luật Đất đai 2024 thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.
Từ ngày 01/8/2024, cho phép xây nhà ở trên đất trồng lúa? (Hình từ Internet)
Từ ngày 01/8/2024, cho phép xây nhà ở trên đất trồng lúa?
Căn cứ khoản 1 Điều 31 Luật Đất đai 2024, người dân cần phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất.
Căn cứ điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 121 và Điều 122 Luật Đất đai 2024 thì việc chuyển đổi đất trồng lúa (đất nông nghiệp) sang đất ở (đất phi nông nghiệp) phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Phải có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
+ Phải tuân theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định;
+ Phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.
Ngoài ra, việc chuyển mục đích sử dụng từ 02 ha trở lên đối với đất trồng lúa sang đất ở phải tuân theo các tiêu chí, điều kiện tại Điều 46 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:
- Có phương án trồng rừng thay thế hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;
- Có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt;
- Có đánh giá sơ bộ tác động môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
* Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quy định tiêu chí, điều kiện cụ thể việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở để bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng với yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, người dân cần phải sử dụng đất đúng với mục đích sử dụng được ghi trên sổ đỏ, sổ hồng. Trường hợp người dân muốn xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa thì bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất ở.
Thẩm quyền cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang nhà ở
Cụ thể, tại Điều 123 Luật Đất đai 2024 thì cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở được quy định như sau:
- UBND cấp tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức trong nước;
- UBND cấp huyện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân;
Lưu ý: UBND cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng không được phân cấp, không được ủy quyền.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở là UBND cấp huyện.
Trường hợp cho phép cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định.