Việc xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Bản đồ đất bị ô nhiễm là gì?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT giải thích một số từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bản đồ chất lượng đất là bản đồ thể hiện việc phân bố các khoanh đất theo phân mức chất lượng đất tại một thời điểm xác định.
2. Bản đồ đất bị ô nhiễm là bản đồ thể hiện việc phân bố các khoanh đất theo loại hình, phân mức ô nhiễm đất và vị trí các điểm ô nhiễm tại một thời điểm xác định.
3. Bản đồ tiềm năng đất đai là bản đồ thể hiện việc phân bố các khoanh đất theo phân mức tiềm năng đất đai tại một thời điểm xác định.
...
Theo đó, bản đồ đất bị ô nhiễm là bản đồ thể hiện việc phân bố các khoanh đất theo loại hình, phân mức ô nhiễm đất và vị trí các điểm ô nhiễm tại một thời điểm xác định.
Việc xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm được quy định như thế nào?(Hình ảnh Internet)
Xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 30 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT quy định xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễmnhư sau:
(1) Chuẩn hóa các yếu tố nền của bản đồ đất bị ô nhiễm theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 2, điểm a và điểm d khoản 3 Điều 6 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.
(2) Tạo lập các lớp thông tin và trường thông tin dữ liệu thuộc tính trong mỗi lớp thông tin chuyên đề theo cấu trúc, kiểu thông tin quy định tại Phần D của Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 11/2024/TT-BTNMT, bao gồm:
- Lớp thông tin loại đất;
- Lớp thông tin phân mức ô nhiễm;
- Lớp thông tin khoanh vùng các khu vực cần xử lý, cải tạo và phục hồi đất.
(3) Xây dựng lớp thông tin loại đất:
- Chuyển đổi định dạng dữ liệu từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất cùng cấp với bản đồ kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất;
- Rà soát chỉnh lý ranh giới khoanh đất theo kết quả điều tra thực địa;
- Chuẩn hóa và nhập các thông tin loại đất quy định tại Bảng số 03/QĐC của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 11/2024/TT-BTNMT vào lớp thông tin tại điểm a khoản 2 Điều 30 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.
(4) Rà soát, chỉnh lý ranh giới khoanh đất điều tra trong lớp thông tin khoanh đất của bản đồ điều tra thực địa quy định tại khoản 1 Điều 27 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT theo kết quả tổng hợp xử lý thông tin tại khoản 3 Điều 29 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.
(5) Xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm
- Xây dựng lớp thông tin phân mức ô nhiễm theo chỉ tiêu quy định tại điểm a khoản 3 Điều 29 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT;
- Xuất dữ liệu phục vụ phân tích, đánh giá thực trạng đất bị ô nhiễm;
- Biên tập, xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ và in bản đồ đất bị ô nhiễm;
- Trình tự xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm minh họa chi tiết tại Sơ đồ số 02/ONĐ của Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.
(6) Khoanh vùng các khu vực đất bị ô nhiễm cần thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi
- Xác định các khu vực đất bị ô nhiễm từ kết quả phân mức ô nhiễm tại điểm a khoản 5 Điều 30 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT;
- Chuyển ranh giới và nhập các thông tin thuộc tính các khu vực đất cần xử lý, cải tạo và phục hồi vào lớp thông tin tại điểm c khoản 2 Điều 30 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.
(7) Xây dựng dữ liệu ô nhiễm đất
- Chuẩn hóa dữ liệu liên quan đến ô nhiễm đất theo quy định của pháp luật về cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai;
- Quét các dữ liệu khác có liên quan.
(8) Cập nhật dữ liệu về ô nhiễm đất vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định của pháp luật về cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Việc điều tra, lấy mẫu phục vụ đánh giá ô nhiễm đất được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 28 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT quy định điều tra, lấy mẫu phục vụ đánh giá ô nhiễm đất như sau:
(1) Đối với điều tra, đánh giá ô nhiễm cấp vùng
- Khoanh vùng xác định và chỉnh lý ranh giới các khoanh đất theo các tác nhân gây ảnh hưởng đến đất từ lượng phân bón vô cơ, hóa chất BVTV, thức ăn và hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản hoặc nguồn nước tưới bị ô nhiễm và mô tả kết quả điều tra vào bản mô tả đã chuẩn bị tại khoản 3 Điều 27 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT;
- Xác định vị trí điểm lấy mẫu đất tại thực địa, tọa độ điểm lấy mẫu đất được xác định bằng thiết bị định vị; cập nhật bổ sung vị trí điểm lấy mẫu lên bản đồ điều tra thực địa (nếu có sự thay đổi);
- Lấy mẫu đất;
- Chụp ảnh cảnh quan khu vực điều tra, điểm lấy mẫu đất;
- Viết phiếu lấy mẫu đất;
- Đóng gói và bảo quản mẫu đất;
- Rà soát, cập nhật kết quả điều tra thực địa tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 28 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT vào bảng dữ liệu điều tra đã tạo lập tại khoản 2 Điều 27 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT;
- Xây dựng báo cáo kết quả điều tra, lấy mẫu đất tại thực địa.
(2) Đối với điều tra, đánh giá ô nhiễm cấp tỉnh
- Điều tra xác định hướng lan tỏa ô nhiễm; điều tra xác định các yếu tố địa hình, địa vật có khả năng ngăn cản hoặc chặn hướng lan tỏa ô nhiễm; khoanh vùng xác định và chỉnh lý ranh giới các khoanh đất theo các nguồn gây ô nhiễm đất, tác nhân gây ô nhiễm và mô tả kết quả điều tra vào bản mô tả đã chuẩn bị tại khoản 3 Điều 27 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT;
- Điều tra, lấy mẫu đất, cập nhật kết quả điều tra thực địa quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 28 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT;
- Xây dựng báo cáo kết quả điều tra, lấy mẫu đất tại thực địa;
- Việc điều tra các nội dung theo quy định tại khoản này chỉ thực hiện đối với các khu vực chưa có kết quả điều tra, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường đất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.