Xây dựng, cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai

Xây dựng, cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai nhằm đảm bảo thông tin đồng bộ, chính xác, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch, và phát triển bền vững

Nội dung chính

    Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai gồm những thành phần nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 165 Luật Đất đai 2024 thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai bao gồm:

    - Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;

    - Cơ sở dữ liệu địa chính;

    - Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;

    - Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

    - Cơ sở dữ liệu giá đất;

    - Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai;

    - Cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai;

    - Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.

    Từ quy định trên, có thể thấy cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được xây dựng một cách toàn diện và chi tiết bao gồm nhiều thành phần quan trọng nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên đất.

    Sự đa dạng của các loại cơ sở dữ liệu, từ các văn bản quy phạm pháp luật đến thông tin về địa chính, quy hoạch, giá đất và các vấn đề thanh tra, giải quyết tranh chấp, không chỉ đảm bảo tính minh bạch và khoa học trong quản lý mà còn góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và số hóa trong lĩnh vực đất đai.

    Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

    Xây dựng, cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai

    Xây dựng, cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (Hình từ Internet)

    Xây dựng, cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai

    Căn cứ Điều 52 Nghị định 101/2024/NĐ-CP cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Luật Đất đai được phân cấp quản lý gồm:

    - Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Luật Đất đai được phân cấp quản lý gồm:

    Cơ sở dữ liệu do trung ương quản lý: Cơ sở dữ liệu đất đai do trung ương xây dựng và cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đồng bộ, tích hợp lên trung ương;

    Cơ sở dữ liệu do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý: Cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương xây dựng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

    - Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được xây dựng, kết nối, chia sẻ phù hợp với Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số, đáp ứng về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    - Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, phù hợp với hồ sơ, tài liệu quản lý đất đai đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ký duyệt, xác nhận theo quy định của pháp luật.

    - Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai chứa dữ liệu phục vụ lưu trữ, chia sẻ theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước gồm dữ liệu chủ, dữ liệu mở, dữ liệu danh mục dùng chung, dữ liệu địa chỉ số của thửa đất, tài sản gắn liền với đất và dữ liệu kết nối, chia sẻ.

    Dữ liệu chủ là dữ liệu chứa thông tin cơ bản nhất về đất đai, làm cơ sở tham chiếu, đồng bộ dữ liệu đất đai với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương;

    Dữ liệu mở là dữ liệu đất đai được công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ và miễn phí. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do truy cập sử dụng dữ liệu mở, không yêu cầu khai báo định danh khi khai thác, sử dụng dữ liệu mở;

    Dữ liệu danh mục dùng chung là dữ liệu về các danh mục, bảng mã phân loại thuộc lĩnh vực đất đai do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, được sử dụng chung trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu bảo đảm việc tích hợp, trao đổi, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thống nhất;

    Dữ liệu địa chỉ số của thửa đất, tài sản gắn liền với đất là tập hợp thông tin về vị trí, tọa độ và các thông tin liên quan khác của thửa đất hoặc tài sản gắn liền với đất để phục vụ việc xác định vị trí của thửa đất hoặc tài sản gắn liền với đất thông qua phương tiện điện tử;

    Dữ liệu kết nối, chia sẻ là dữ liệu đất đai được chia sẻ với bộ, ngành, địa phương phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

    - Đối với thành phần cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Luật Đất đai được kết nối, chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật để khai thác, sử dụng.

    - Đối với thành phần cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Luật Đất đai được kết nối, chia sẻ từ cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra và cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo để khai thác, sử dụng theo quy định.

    - Việc cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải được thực hiện thường xuyên, đảm bảo tính pháp lý, chính xác, tính duy nhất của đối tượng, đầy đủ, kịp thời trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai thông qua phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; đối với các trường hợp có thay đổi, biến động về thông tin, dữ liệu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà không gắn với việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì phải cập nhật, chỉnh lý, bổ sung vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết quy trình kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    Kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai

    Theo Điều 54 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu quốc gia về đất đai như sau:

    - Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được đồng bộ, cập nhật về Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương để chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

    - Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện thông qua các dịch vụ trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Tài nguyên và môi trường, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được quy định về Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số và các nền tảng chia sẻ khác theo quy định của pháp luật. Các tiêu chuẩn kỹ thuật dịch vụ chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định về kết nối của cơ sở dữ liệu quốc gia với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu khác.

    - Cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

    + Đáp ứng tiêu chuẩn kết nối và tuân thủ các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về trao đổi dữ liệu, quy định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

    + Đáp ứng các quy định về an toàn, bảo mật thông tin, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu và quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân.

    - Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện quản lý, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

    - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì thực hiện việc quản lý, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương với các cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành ở địa phương theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

    Quy định tại Điều 54 Nghị định 101/2024/NĐ-CP nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng bộ, kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với các cơ sở dữ liệu khác nhằm hỗ trợ quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

    Việc kết nối thông qua các nền tảng tích hợp, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn bảo mật, và quyền riêng tư, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương đóng vai trò chủ trì, đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hiện đại hóa quản lý đất đai.

    saved-content
    unsaved-content
    107
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT