Xây nhà trên đất trồng cây hằng năm có buộc phải phá dỡ không?
Nội dung chính
Xây nhà trên đất trồng cây hằng năm có buộc phải phá dỡ không?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai 2024 quy định một trong những nguyên tắc khi sử dụng đất là sử dụng đúng mục đích. Việc xây dựng nhà ở trên đất trồng cây hàng năm chính là xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, do đất trồng cây hàng năm thuộc nhóm đất nông nghiệp (theo khoản 1 Điều 9 Luật Đất đai 2024).
Ngoài ra, căn cứ điểm d khoản 1 Điều 136 Luật Nhà ở 2023 thì nhà ở phải phá dỡ nếu xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Như vậy, chỉ được xây nhà ở trên đất ở, việc xây nhà ở trên đất trồng cây hàng năm mà không thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất (chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp) là vi phạm pháp luật về đất đai và buộc phải phá dỡ nhà ở.
Xây nhà trên đất trồng cây hằng năm có buộc phải phá dỡ không? (Hình từ Internet)
Việc phá dỡ nhà ở xây trên đất trồng cây hằng năm phải tuân theo những quy định nào?
Việc phá dỡ nhà ở xây trên đất trồng cây hằng năm phải tuân theo những quy định tại Điều 138 Luật Nhà ở 2023 như sau:
(1) Phải di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực phá dỡ.
(2) Phải có biển báo và giải pháp cách ly với khu vực xung quanh.
(3) Bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình xung quanh, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc trường hợp không bị phá dỡ và bảo đảm vệ sinh, môi trường theo quy định của pháp luật.
(4) Đối với trường hợp phải có phương án phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng thì chủ sở hữu, người đang quản lý, sử dụng nhà ở, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phải lập phương án phá dỡ trước khi thực hiện.
(5) Không được thực hiện việc phá dỡ nhà ở thuộc khu dân cư trong thời gian từ 12 giờ đến 13 giờ và từ 22 giờ đến 05 giờ, trừ trường hợp khẩn cấp.
Người thực hiện phá dỡ cần nghiêm túc tuân thủ các quy định này để tránh các hậu quả pháp lý, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường.
Xây nhà trên đất trồng cây hằng năm thì mức phạt tiền như thế nào?
Người dân muốn xây nhà trên đất trồng cây hằng năm thì trước tiên cần phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm (đất nông nghiệp) sang đất ở (đất phi nông nghiệp) rồi mới xin giấy phép xây dựng nhà ở (nếu thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng) theo quy định pháp luật.
Nếu người dân tự ý xây nhà trên đất trồng cây hằng năm (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác) thì sẽ vi phạm pháp luật về đất đai và bị xử phạt hành chính theo Điều 8, Điều 10 Nghị định 123/2024/NĐ-CP như sau:
Trường hợp 01: Tự ý chuyển đất trồng cây hằng năm là đất trồng lúa sang đất ở
(1) Tự ý chuyển đất trồng cây hằng năm là đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã:
- Diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,01 héc ta đến dưới 0,03 héc ta: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên: Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
(2) Tự ý chuyển đất trồng cây hằng năm là đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn:
- Diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,01 héc ta đến dưới 0,03 héc ta: Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng;
Trường hợp 02: Tự ý chuyển đất trồng cây hằng năm không phải là đất trồng lúa sang đất ở
(1) Tự ý chuyển đất trồng cây hằng năm không phải là đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã:
- Diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,01 héc ta đến dưới 0,03 héc ta: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng;
(2) Tự ý chuyển đất trồng cây hằng năm không phải là đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn:
- Diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,01 héc ta đến dưới 0,03 héc ta: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta: Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
- Diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng;
Ngoài bị phạt tiền thì người sử dụng đất còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024 và nộp lại số lợi ích có được do hành vi vi phạm.
Lưu ý: Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân khi có cùng hành vi vi phạm (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).