Loading


Chỉ thị 04/CT-BXD năm 2010 thực hiện các giải pháp nhằm thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 04/CT-BXD
Ngày ban hành 19/08/2010
Ngày có hiệu lực 19/08/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Hồng Quân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 04/CT-BXD

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NHẰM THỰC HÀNH TRIỆT ĐỂ TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ XÂY DỰNG

Thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 12, Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 của Chính phủ; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Ngày 22/4/2010, Bộ Xây dựng ban hành Chương trình hành động kèm theo Quyết định số 472/QĐ-BXD để thực hiện các Nghị quyết nêu trên, trong đó việc thực hiện các giải pháp nhằm thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí được coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Để triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ, nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ thị Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty mẹ các Tập đoàn, Công ty mẹ các Tổng công ty và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tập trung tổ chức thực hiện những giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sau đây:

1. Đối với hoạt động đầu tư và hoạt động SXKD tại các doanh nghiệp

- Rà soát, sắp xếp lại cơ cấu đầu tư của đơn vị theo hướng tập trung đầu tư cho các công trình, dự án phục vụ trực tiếp các ngành nghề sản xuất chính, những dự án có khả năng mang lại hiệu quả ngay; không đầu tư dàn trải, không đầu tư và kiên quyết ngừng đầu tư những dự án đầu tư không thấy hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án đang đầu tư để sớm đưa vào hoạt động;

- Thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục và các quy định về lựa chọn nhà thầu đối với các dự án đầu tư; hạn chế áp dụng hình thức chỉ định thầu và đấu thầu hạn chế. Xử lý nghiêm đối với những vi phạm của nhà thầu làm sai các quy định của nội dung hợp đồng đã ký kết, đặc biệt là về chất lượng công trình ;

- Đánh giá hiệu quả những khoản đầu tư gián tiếp, góp vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Hạn chế tham gia đầu tư chứng khoán, góp vốn vào các quỹ đầu tư tài chính, ngân hàng có tính chất mạo hiểm;

- Tăng cường vai trò đại diện chủ sở hữu và người quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao chất lượng và tăng cường trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu và người quản lý vốn nhà nước; tổ chức đánh giá hàng năm về việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu và người quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước;

- Có biện pháp cụ thể nâng cao hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch (đặc biệt là về tài chính), tìm biện pháp mở rộng thị trường, thị phần tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng nhanh vòng quay vốn kinh doanh, tiết kiệm chi phí sử dụng vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp;

- Tiếp tục rà soát, bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật về tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu; định mức lao động, tiền lương và các định mức chi phí khác trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh. Có chế độ thưởng khuyến khích tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật;

- Kiểm soát chi phí kinh doanh, giá thành các sản phẩm vật liệu xây dựng (đặc biệt là các sản phẩm thuộc diện bình ổn giá theo quy định như xi măng, thép ...) . Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá. Chống đầu cơ tăng giá bất hợp lý, đảm bảo thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;

- Thường xuyên theo dõi, xử lý tích cực các khoản nợ tồn đọng, làm lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi gây lãng phí vốn, tài sản, lao động và tài nguyên thiên nhiên;

- Nghiên cứu lồng ghép các nội dung họp, hội nghị; rút ngắn thời gian họp, hội nghị, hạn chế tổ chức tiệc chiêu đãi, tặng quà khi tổ chức hội nghị; không kết hợp tổ chức họp, hội nghị với tham quan, nghỉ mát; thực hiện đúng định mức sử dụng ô tô, điện thoại trang thiết bị làm việc theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền;

- Tổ chức đoàn đi khảo sát, học tập ở nước ngoài cần có nội dung cụ thể và thiết thực, không trùng lắp, không kết hợp khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với giải quyết chính sách, kết hợp tham quan du lịch;

2. Đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ:

- Tổ chức thực hiện rà soát các dự án đầu tư phát triển về mục tiêu, thủ tục, tiến độ và khối lượng thực hiện, báo cáo Bộ để chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng thực hiện cho các dự án có khả năng thực hiện vượt kế hoạch nhưng thiếu vốn;

- Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, hoàn thành các thủ tục đầu tư, nghiệm thu khối lượng hoàn thành đủ điều kiện thanh toán và làm thủ tục thanh toán với cơ quan thanh toán vốn theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình. Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử phạt các vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Chấp hành chế độ báo cáo định kỳ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư theo quy định;

- Chủ động lập dự toán chi ngân sách hàng năm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao của đơn vị, trong trường hợp giá cả thị trường tăng cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của đơn vị;

- Thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách thường xuyên được giao theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn định mức chi tiêu đã ban hành; đề xuất các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo thực hiện tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước trong mua sắm, sửa chữa tài sản công, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại và tiết kiệm các nội dung chi tiêu theo hệ thống mục lục ngân sách của nhà nước (tiết kiệm so với dự toán, kế hoạch được duyệt và so với tiêu chuẩn, định mức đã ban hành);

- Có biện pháp kiểm soát và thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; công khai dự toán kinh phí đầu tư, mua sắm về: số lượng, chủng loại, kế hoạch và phương thức đầu tư, mua sắm, trang bị tài sản; công khai kết quả thực hiện; công khai việc điều chuyển, thanh lý, bán, chuyển nhượng và các hình thức chuyển đổi sở hữu khác đối với tài sản nhà nước;

- Tận dụng cơ sở vật chất sẵn có và năng lực của cán bộ công nhân viên chức trong đơn vị để chủ động tìm kiếm, khai thác các nguồn thu dịch vụ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả; đảm bảo việc bảo toàn và phát triển vốn ngân sách nhà nước giao cho đơn vị hàng năm. Từng bước chuyển dần sang đơn vị tự trang trải kinh phí và sang doanh nghiệp theo lộ trình xã hội hóa của Đảng và Chính phủ;

- Soát xét và hạch toán đầy đủ mọi nguồn thu, mọi khoản chi và tất cả các loại tài sản, tiền vốn vào sổ kế toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; tính đúng, tính đủ mọi chi phí vào giá thành các loại dịch vụ có thu;

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty mẹ các Tập đoàn, Công ty mẹ các Tổng công ty và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Vụ Kế hoạch Tài chính chủ trì phối hợp với các Cục, Vụ chức năng, Thanh tra XD thuộc Bộ theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các đơn vị; tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Các Tập đoàn, TCT thuộc Bộ;
- Tổng công ty XMVN;
- Các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ:
- Các Cục, Vụ, thanh tra XD thuộc Bộ;
- Lưu VP, KHTC.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Quân

 

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ