Công văn 10649/BKHĐT-KTCNDV năm 2023 tham gia ý kiến đối với Dự thảo Đề án phát triển công nghiệp và thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Số hiệu | 10649/BKHĐT-KTCNDV |
Ngày ban hành | 18/12/2023 |
Ngày có hiệu lực | 18/12/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Người ký | Đỗ Thành Trung |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10649/BKHĐT-KTCNDV |
Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2023 |
Kính gửi: Bộ Công Thương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản số 8184/BCT-KHTC ngày 17/11/2023 của Bộ Công Thương đề nghị tham gia ý kiến đối với dự thảo Đề án phát triển công nghiệp và thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (vùng ĐBDTTS&MN) đến năm 2030. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
1. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp và thương mại vùng ĐBDTTS&MN đã được đề cập trong các Văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, văn bản quy phạm pháp luật của nhiều ngành, lĩnh vực. Theo báo cáo rà soát của Bộ Công Thương thì hầu hết các địa phương có vùng ĐBDTTS&MN đã ban hành một số chính sách và các cơ chế đặc thù (như chính sách hỗ trợ đầu tư; quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công; chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; chính sách phát triển hạ tầng chợ miền núi, biên giới; chính sách phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông sản chủ lực...) để tổ chức thực hiện các hoạt động thúc đẩy sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp nông thôn.
Căn cứ Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành kèm theo Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất về việc xây dựng Đề án với mục tiêu đánh giá thực trạng chính sách và kết quả phát triển công nghiệp và thương mại vùng ĐBDTTS&MN, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp có tính đột phá, đặc thù để phát triển công nghiệp và thương mại của vùng đến năm 2030, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hoặc lồng ghép trong các quy hoạch có liên quan đến phát triển công nghiệp và thương mại vùng DBDTTS&MN.
2. Về phạm vi, đối tượng, phương pháp nghiên cứu của Đề án
Theo báo cáo của Đề án, trong số 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có xã là vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, có 21 tỉnh có số lượng xã (2.474 xã) chiếm 72,04% số lượng xã là vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước. Do vậy, Đề án đã chủ yếu sử dụng số liệu thống kê về kinh tế - xã hội của 21 tỉnh để phân tích, đánh giá thực trạng kết quả phát triển công nghiệp và thương mại vùng ĐBDTTS&MN của cả nước. Đồng thời, phương pháp nghiên cứu của cơ quan chủ trì chủ yếu là tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh và chuyên gia.
Với mục tiêu xây dựng Đề án như đã nêu ở mục 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, chỉnh sửa bổ sung một số ý như sau:
- Trong trường hợp đối tượng của Đề án chỉ thu hẹp về phạm vi nghiên cứu ở một số vùng như Vùng duyên hải miền Trung (chỉ có 01 tỉnh được đại diện gọi là tỉnh vùng ĐBDTTS&MN như cách gọi của Đề án), tương tự Vùng Đông Nam bộ (có 01 tỉnh), Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (có 02 tỉnh), thì kết quả đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp, thương mại vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2011 - 2020 của các Vùng nêu trên là chưa toàn diện (điều này được thể hiện tại các mục 1.2, 1.3, 1.4 của Báo cáo tổng hợp Đề án).
- Làm rõ đối tượng nghiên cứu thực tế của Đề án là “Ngành công nghiệp và thương mại tại địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
- Bổ sung thêm các phương án nghiên cứu như điều tra khảo sát, tổ chức hội thảo để củng cố thêm các luận chúng, nhận định trong Đề án sát với thực tế của từng vùng ĐBDTTS&MN của cả nước.
3. Về đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp và thương mại vùng ĐBDTTS&MN
- Đề nghị hoàn thiện mục 2.1 Báo cáo tổng hợp Đề án về thực trạng chính sách phát triển công nghiệp vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2011 - 2020. Hiện nay đề án đang liệt kê các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác nhau có liên quan đến vùng ĐBDTTS&MN, tuy nhiên, cần phải lựa chọn xem xét các chính sách có liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp và các chính sách gián tiếp hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại (chính sách khuyến công; chính sách thuế, phí, lệ phí; chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực công thương; chính sách phát triển các khu, cụm công nghiệp,...). Nội dung đánh giá thực trạng chính sách cần phải chỉ ra những tồn tại, hạn chế chưa phát huy được tác dụng trên thực tế hoặc các quy định đang kiềm chế sự phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải bổ sung làm rõ hơn về những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế, trong đó cần phải lượng hóa các nội dung về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của các tỉnh (trong đó vốn đầu tư cho sản xuất, thương mại, cơ sở hạ tầng), giáo dục, y tế,...
- Đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu cụ thể của ngành công nghiệp, thương mại đến năm 2030 có thể lượng hóa được (tốc độ tăng trưởng theo khu vực, tỷ trọng của ngành công nghiệp và thương mại trong cơ cấu các lĩnh vực kinh tế của vùng ĐBDTTS&MN, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương và cả nước, tạo việc làm cho người dân địa phương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ..Ngoài ra, cần cụ thể hóa mục tiêu đa dạng các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của vùng để làm nổi bật mục tiêu của Đề án, sự thay đổi của vùng so với thời kỳ trước.
5. Về định hướng chính sách phát triển công nghiệp, thương mại của vùng ĐBDTTS&MN
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại vùng DTTS&MN cần phải gắn với đặc thù của từng vùng, từng địa phương và từng nhóm ngành để nâng cao hiệu quả và tính khả thi của chính sách. Ví dụ như, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp vùng ĐBDTTS&MN theo không gian (có thể theo các vùng kinh tế - xã hội hay theo các tiểu vùng...) hay chính sách phát triển theo các nhóm ngành, lĩnh vực như: ngành công nghiệp khai khoáng, ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản...Trong đó, đặc biệt quan tâm nghiên cứu lồng ghép với một số chính sách có liên quan đã được ban hành, phù hợp với cơ chế, chính sách đã được nêu trong các quy hoạch có liên quan như Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng,...
- Đề nghị bổ sung rà soát các định hướng phát triển công nghiệp và thương mại vùng ĐBDTTS&MN đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, thương mại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023), Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022),...
6. Về giải pháp nhằm phát triển công nghiệp và thương mại
- Đề nghị nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn gắn với các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể. Đồng thời đối với 30/51 địa phương có vùng ĐBDTTS&MN đã được xác định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì cân nhắc, bổ sung quan điểm, mục tiêu hoặc khuyến nghị giải pháp, định hướng phát triển đối với các đối tượng này để đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ của Đề án.
- Các vùng ĐBDTTS&MN có vị trí địa lý, hiện trạng kinh tế - xã hội, văn hóa, lối sống của người dân khác với các khu vực thành thị. Do đó, đề nghị cân nhắc lựa chọn đề xuất một số giải pháp mang tính đột phá, đặc trưng phù hợp với hiện trạng phát triển của vùng ĐBDTTS&MN, định hướng đưa sự phát triển công nghiệp và thương mại của các vùng tiến gần với tốc độ phát triển của khu vực thành thị.
- Đề án có đề cập đến việc rà soát, xây dựng và hoàn thiện chính sách đặc thù và đảm bảo huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển ngành công nghiệp và thương mại vùng ĐBDTTS&MN (các mục 3.3.1.2, 3.3.1.3, 3.3.1.4, 3.3.1.5 Báo cáo tổng hợp Đề án), tuy nhiên, chủ yếu căn cứ vào các giải pháp đã được nêu trong các Chương trình, đề án có liên quan đã được phê duyệt, chưa đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc hiện nay. Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung định hướng phát triển các cụm công nghiệp, chuỗi cung ứng tại vùng ĐBDTTS&MN. Việc phát triển khu công nghiệp tại các vùng này là không khả thi, khó có thể thu hút được các nhà đầu tư do hệ thống kết cấu hạ tầng và khả năng cung cấp nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu (các khu công nghiệp có nhu cầu về lao động rất lớn).
- Nhiều vùng ĐBDTTS&MN có biên giới với các nước. Vì vậy, bên cạnh phát triển thương mại trong nước, cần đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới tại vùng ĐBDTTS&MN để tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực thương mại, công nghiệp.
- Báo cáo tổng hợp Đề án chưa bao gồm dự toán kinh phí triển khai và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của Đề án. Theo khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước thì việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp. Theo quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư công thì vốn đầu tư công được bố trí thực hiện đầu tư các chương trình, dự án đầu tư, không quy định bố trí thực hiện đầu tư các Đề án. Các nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư công quy định tại các Đề án cần được cụ thể hóa bằng các chương trình đầu tư, dự án đầu tư để cấp có thẩm quyền quyết định. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đảm bảo việc đáp ứng các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, các quy định pháp luật khác có liên quan và văn bản chỉ đạo cụ thể của cấp có thẩm quyền liên quan đến nội dung của Đề án.
Đối với nhiệm vụ dự kiến giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị Bộ Công Thương rà soát, chỉnh sửa như sau:
- Về nhiệm vụ “chủ trì, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm từ ngân sách nhà nước cho các Bộ, ngành, trung ương để thực hiện các nhiệm vụ có liên quan thực hiện Đề án” và nội dung “Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương bố trí, huy động nguồn vốn đầu tư cho việc thực hiện Đề án”: Luật Đầu tư công bố trí vốn theo chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công khác, không bố trí cho Đề án, đồng thời chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được quy định cụ thể tại Điều 80 Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chí tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo quy định, việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư công thuộc chức năng của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Do vậy, đề nghị bỏ nội dung giao nhiệm vụ nêu trên trong Đề án.