Loading


Nghị quyết 104/NQ-CP năm 2013 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8

Số hiệu 104/NQ-CP
Ngày ban hành 06/09/2013
Ngày có hiệu lực 06/09/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 104/NQ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8 NĂM 2013

Trong hai ngày 27 và 28 tháng 8 năm 2013, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8 năm 2013, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau:

1. Về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2013; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.

a. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Chính phủ thống nhất đánh giá: Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP và nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ; các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực. Các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2013 và năm 2014. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lãi suất tín dụng giảm, tăng trưởng tín dụng đã có những chuyển biến khả quan, lĩnh vực dịch vụ phát triển khá, xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch, nhập khẩu máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất được cải thiện, tỷ lệ nhập siêu thấp. Cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục có kết dư, bảo đảm nguồn cung ngoại tệ. Giải ngân vốn ODA đạt khá, vốn FDI đăng ký và thực hiện cao hơn so với cùng kỳ năm 2012. Các chính sách về an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn, thách thức, nền kinh tế phục hồi chậm so với mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản. Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt thấp so với dự toán năm. Thị trường và sức mua tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn yếu. Tổng số vốn đăng ký, quy mô vốn bình quân của các doanh nghiệp thành lập mới vẫn có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn; tệ nạn xã hội, tội phạm còn phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề tôn giáo, nhân quyền tăng cường sự chống phá tại các địa bàn chiến lược, trọng điểm. Tình hình thế giới và khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rất đáng lo ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Để phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2013, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương ra sức khắc phục khó khăn, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Các cấp, các ngành cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng cường rà soát thể chế, đồng thời bám sát tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt; đơn giản hóa thủ tục hành chính; huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cam kết về đối ứng vốn ODA.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu lạm phát khoảng 7,0%; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra; tiếp tục điều chỉnh nguồn tín dụng hướng vào những lĩnh vực ưu tiên; tập trung xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ và giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ và thị trường vàng.

- Các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đã bố trí trong kế hoạch năm 2013, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Tích cực triển khai Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến thương mại; củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 12% trở lên; hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là các vùng nông thôn; áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý hàng tồn kho, thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình nguồn và lưới điện, bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng. Phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý thị trường, giá cả. Tập trung kiểm tra, kiểm soát để phát hiện xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và vi phạm pháp luật về giá.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nghiên cứu cơ cấu cây trồng làm nguyên liệu phục vụ sản xuất, đặc biệt là sản xuất thức ăn chăn nuôi để từng bước thay thế hàng nhập khẩu; nghiên cứu cho ra đời các giống lúa mới có chất lượng cao để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo; xây dựng mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, bảo đảm nguồn tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh; nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục tạm nhập, tái xuất nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu mặt hàng thủy, hải sản; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng; đặc biệt tập trung việc khống chế, dập dịch, không để lây lan trên diện rộng; kịp thời khắc phục và hạn chế tối đa hậu quả do thiên tai, dịch bệnh.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương cần quan tâm phát triển các hình thức, sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực tại các khu vực du lịch; chỉ đạo tổ chức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm tình hình đời sống nhân dân để có biện pháp cứu trợ khi cần thiết; rà soát cơ chế, chính sách hiện hành, chủ động đề xuất sửa đổi, điều chỉnh một số quy định không còn phù hợp liên quan đến công tác trợ cấp xã hội đối với các đối tượng chính sách, người cao tuổi; nắm tình hình lao động, việc làm để kịp thời có những giải pháp bảo đảm lực lượng lao động cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

- Bộ Y tế tập trung các biện pháp phòng, chống, không để bùng phát dịch bệnh ở người; phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, kiểm tra việc thực hiện giá dịch vụ y tế; đẩy mạnh chấn chỉnh quy trình hoạt động để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là nâng cao y đức trong toàn ngành; tăng cường công tác y tế dự phòng và kiểm dịch y tế, đặc biệt tại khu vực biên giới, cửa khẩu.

- Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên các tuyến trọng điểm, các thành phố lớn.

- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan và chính quyền các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chống phá của số đối tượng phản động, chống đối, bảo đảm an ninh chính trị, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm, biên giới, vùng biển; tiếp tục triển khai kế hoạch tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; triển khai các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ nhất là trong những ngày lễ lớn.

- Các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến công tác quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020; khẩn trương chuyển giao nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo đúng tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nghiêm túc việc gửi báo cáo cho Bộ Tư pháp về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh; ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 07 năm 2013 để tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2013 và Nghị quyết số 101/NQ-CP phiên họp chuyên đề về công tác, xây dựng pháp luật; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, đặc biệt là các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

- Yêu cầu các cấp, các ngành chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính theo Quy chế làm việc của Chính phủ, giữ mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, cơ quan của Quốc hội. Tập trung thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội như chăm sóc người có công với cách mạng; tạo việc làm và giải quyết chế độ thất nghiệp cho người lao động; xóa đói giảm nghèo, đặc biệt quan tâm, hỗ trợ kịp thời, cải thiện chất lượng cuộc sống đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo khí thế quyết tâm; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

b. Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình, Chính phủ quyết nghị:

Trên cơ sở tình hình thực hiện tháng 8 và 8 tháng đầu năm, ước thực hiện 9 tháng đầu năm và cả năm 2013; dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của năm 2014 cần phấn đấu đạt mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2013. Điều chỉnh bội chi ngân sách ở mức hợp lý, kết hợp rà soát, tính toán mức độ an toàn nợ công, nợ Chính phủ để báo cáo Quốc hội cho phép phát hành thêm trái phiếu Chính phủ so với tổng mức đã được phê duyệt cho giai đoạn 2011-2015 để thực hiện một số mục tiêu cụ thể như: các dự án đang được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 nhưng còn thiếu vốn; bổ sung vốn đối ứng các dự án ODA, bố trí vốn đầu tư cho một số dự án trọng điểm như các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; báo cáo Bộ Chính trị trước khi trình Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI). Căn cứ Kết luận của Hội nghị Trung ương 8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6.

2. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về các báo cáo: Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015); kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2015; tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình, Chính phủ quyết nghị:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện báo cáo theo hướng: Mục tiêu trọng tâm trong hai năm 2014, 2015 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phấn đấu đạt mục tiêu về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6%. Phân tích, làm rõ thêm về những kết quả đã đạt được trong 3 năm (2011 - 2013); các giải pháp trọng tâm sẽ tiếp tục triển khai từ nay đến năm 2015 như bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tái cơ cấu nền kinh tế. Các khâu đột phá, cần đặc biệt chú trọng giải pháp cải cách thể chế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước; về kết cấu hạ tầng cần có quyết sách mới trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, huy động tiềm lực trong dân để đầu tư, phát triển; về phát triển nguồn nhân lực cần khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ vào đầu tư, sản xuất; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đi đôi với chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Bộ Chính trị trước khi trình Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) “Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về kinh tế - xã hội, trọng tâm là 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.

Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 “Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015)”

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ