Loading


Nghị quyết 240/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2024 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 240/NQ-CP
Ngày ban hành 17/12/2024
Ngày có hiệu lực 17/12/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/NQ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 11 NĂM 2024

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức ngày 04 tháng 12 năm 2024 về: Dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Đề nghị xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

QUYẾT NGHỊ:

1. Về Dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị, xây dựng dự án Pháp lệnh và trình Chính phủ bảo đảm thời gian, tiến độ và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã nghiêm túc tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ. Dự án Pháp lệnh được chuẩn bị kỹ, có chất lượng, bảo đảm bám sát 04 nội dung chính sách được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024.

Chính phủ thống nhất thông qua hồ sơ dự án Pháp lệnh do Bộ Quốc phòng chuẩn bị; giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (trong đó lưu ý, rà soát kỹ, bảo đảm chỉ quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội).

Giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh này.

2. Về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:

Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan lập hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP 26).

Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật với yêu cầu sau:

- Thể chế hóa đầy đủ, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả;

- Tiếp tục tổng kết pháp luật và các quy định có liên quan về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc của pháp luật hiện hành và các phát sinh trên thực tiễn với mục tiêu lớn nhất là đáp ứng yêu cầu về năng lượng;

- Việc xây dựng luật phải theo tinh thần chỉ quy định các vấn đề khung, ngắn gọn, đi thẳng vào các chính sách. Đối với trách nhiệm của các Bộ, ngành, cần giao Chính phủ phân công. Thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính và phân cấp tối đa để các địa phương, doanh nghiệp chủ động thực hiện.

Trong quá trình hoàn thiện các chính sách, cần tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các tập đoàn, tổng công ty về năng lượng, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

- Nghiên cứu bổ sung nội dung chính sách về chuyển đổi xanh, giảm phát thải để việc tiết kiệm năng lượng đi đôi với khuyến khích, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn;

- Xây dựng các công cụ tăng cường kiểm soát phát thải các-bon đối với các doanh nghiệp phát thải lớn. Đảm bảo việc giám sát không chỉ có Bộ Công Thương mà có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân;

- Bổ sung nội dung chính sách khuyến khích chuyển đổi số, quản lý bằng chuyển đổi số để tăng hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nghiên cứu, rà soát một số nội dung chưa có trong Luật Điện lực (sửa đổi) để xem xét bổ sung vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm bảo đảm việc sử dụng năng lượng thật sự tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với tình hình mới;

- Việc xây dựng các chính sách cần nghiên cứu kỹ, trên tinh thần huy động nguồn lực của nhân dân, của xã hội và các nguồn lực từ bên ngoài, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó bao gồm việc hình thành Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; gửi Bộ Tư pháp tổng hợp.

Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội (Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV).

Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

3. Về Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi):

Chính phủ đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiêm túc, tích cực triển khai, nghiên cứu, lập Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ; tiếp tục nghiên cứu, bám sát Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối chỉ đạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để tiếp tục hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật.

[...]
24