Loading


Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024

Số hiệu 34/2024/QH15
Ngày ban hành 24/06/2024
Ngày có hiệu lực 01/01/2025
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 34/2024/QH15

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2024

 

LUẬT

TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.

Điều 2. Vị trí, chức năng của Tòa án nhân dân

1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

2. Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp để thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bằng hoạt động của mình, góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

3. Tòa án nhân dân nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân

1. Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

2. Khi thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xét xử, giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự (gồm vụ án dân sự và việc dân sự), vụ việc phá sản và vụ án, vụ việc khác theo quy định của pháp luật;

b) Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật;

c) Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật;

d) Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của luật;

đ) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

e) Tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; phát triển án lệ;

g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án theo quy định của luật;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Tổ chức và thẩm quyền thành lập, giải thể các Tòa án nhân dân

1. Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:

a) Tòa án nhân dân tối cao;

b) Tòa án nhân dân cấp cao;

c) Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

[...]
98