Loading


Nghị quyết 126/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 126/NQ-CP
Ngày ban hành 01/09/2024
Ngày có hiệu lực 01/09/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/NQ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 8 NĂM 2024

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức ngày 24 và ngày 27 tháng 8 năm 2024,

QUYẾT NGHỊ:

Chính phủ đánh giá cao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan đã tích cực chuẩn bị các dự án Luật, Pháp lệnh, Đề nghị xây dựng Luật; nghiêm túc tiếp thu và giải trình các ý kiến; các Thành viên Chính phủ đã nghiên cứu, phát biểu rất trách nhiệm về các nội dung tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024. Đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần này trong các Phiên họp tới. Các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm 2024 (dự kiến Quốc hội cho ý kiến 11 luật và xem xét thông qua 14 luật).

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo công tác xây dựng pháp luật, ưu tiên dành nguồn lực, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng: (i) Tránh trường hợp khi chưa có luật thì làm được, khi có rồi thì vướng không thực hiện được, các quy định bị chồng chéo, mâu thuẫn...; (ii) Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc; nâng cao năng lực thực thi và trách nhiệm của người được phân cấp, phân quyền; cắt giảm các thủ tục hành chính; không tạo ra “cơ chế xin - cho” góp phần giảm chi phí tuân thủ, thời gian, đi lại, phòng ngừa tham nhũng vặt; đặc biệt là góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người dân tốt hơn; (iii) Không để xảy ra tình trạng cài cắm lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, mà phải vì lợi ích chung, trong sáng, vô tư trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (iv) Kế thừa các quy định còn giá trị, đang thực hiện tốt không có vướng mắc thì không thêm thủ tục hành chính trong các Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung; xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh, dự báo để có hướng xử lý đối với những tình huống bất ngờ nhằm xây dựng được một hệ thống pháp luật ổn định lâu dài; (v) Các cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để có giải pháp hiệu quả; tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý của Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách.

Tại Phiên họp ngày 24 tháng 8 năm 2024, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với 08 nội dung: (1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; (2) Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); (3) Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); (4) Dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; (5) Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); (6) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tưLuật Đấu thầu; (7) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật của Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia; (8) Việc điều chuyển Trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng và Trường Cao đẳng nghề số 20 - Bộ Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng về trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tại Phiên họp ngày 27 tháng 8 năm 2024, Chính phủ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến đối với 03 nội dung: (1) Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (2) Dự án Luật Nhà giáo; (3) Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:

1. Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có xây dựng đội ngũ sĩ quan; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn.

Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ theo hướng:

- Tiếp tục bám sát và thể hiện rõ các chính sách đã được Chính phủ thông qua của Đề nghị xây dựng Luật[1]; rà soát kỹ lưỡng về thẩm quyền, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản các thủ tục thực hiện, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự án Luật.

- Về thẩm quyền quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại: Báo cáo rõ và đề nghị Quốc hội phân cấp thẩm quyền này cho Chính phủ.

- Về hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan: Thống nhất quy định tuổi nghỉ hưu của nam sĩ quan và nữ sĩ quan bằng nhau.

- Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện nội dung về điều kiện nghỉ hưu, bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, đồng thời phù hợp với đặc thù của sĩ quan Quân đội.

- Về nội dung[2] sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 46 và nội dung[3] bổ sung khoản 5 vào Điều 47 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về nhà ở: Thống nhất định hướng phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội; đặc biệt là lực lượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phù hợp với đặc thù của Quân đội và khả năng của địa phương; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch...

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

2. Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật cơ bản thể hiện đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về các chính sách đối với thuế tiêu thụ đặc biệt để phù hợp với điều kiện, xu thế phát triển trong nước và thế giới cũng như các thông lệ, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; tuy nhiên, cần xây dựng quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt bám sát nguyên tắc định hướng tiêu dùng vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nhưng phải đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, không khuyến khích tiêu dùng một số mặt hàng, dịch vụ xa xỉ trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.

- Việc tăng thuế đối với một số mặt hàng như rượu bia, thuốc lá... cần đi đôi với cơ chế hiệu quả phòng, chống buôn lậu, trốn thuế, có các công cụ để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan. Các quy định điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng, dịch vụ cụ thể như phòng tập thể thao điện tử; điều hòa dân dụng, phương tiện giao thông có cơ chế vận hành hoặc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; xe ô tô bán tải phục vụ sản xuất, kinh doanh... cần được bổ sung giải trình, thuyết minh có đầy đủ căn cứ để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Lộ trình tăng thuế cần tính toán hợp lý, bảo đảm sự vận hành của doanh nghiệp, tránh gây đứt gãy hoạt động kinh tế - xã hội.

- Cần rà soát, tổng kết và nghiên cứu để Luật có thể giao Chính phủ quy định một số mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với biến động nhanh chóng của thị trường hoặc nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước một cách linh hoạt, bảo đảm bao quát, không bỏ lọt các mặt hàng chịu thuế.

- Đối với một số nội dung được sửa đổi, bổ sung như xác định giá tính thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế... cần được đánh giá kỹ lưỡng để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng thời có quy định về chuyển đổi số nhằm bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả, đồng bộ trong hoạt động quản lý nhà nước.

[...]
6