Loading


Nghị quyết 89/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016

Số hiệu 89/NQ-CP
Ngày ban hành 10/10/2016
Ngày có hiệu lực 10/10/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/NQ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 9 NĂM 2016

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 9 năm 2016, tổ chức vào ngày 03 và 04 tháng 10 năm 2016,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật. Trong đó, rà soát, quy định chặt chẽ về thẩm định, kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật về đầu tư và giá, đồng thời hạn chế, ngăn ngừa công nghệ lạc hậu, gây tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến phát triển bền vững; sửa đổi quy định về quản lý hợp đồng chuyển giao công nghệ theo hướng bắt buộc đăng ký đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài và hợp đồng chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội dự án Luật.

2. Về thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ thống nhất về nguyên tắc phân cấp thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân. Việc phân cấp thẩm quyền quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải được thực hiện theo điều kiện, quy trình, thủ tục rõ ràng và gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm không tư nhân hóa.

Trước mắt, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ (đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp bảo đảm chi thường xuyên) được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập cho số lượng người làm việc tăng thêm.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ (đơn vị sự nghiệp do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trường hợp tăng thêm số lượng người làm việc so với tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao, các bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Nội vụ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát các quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế quản lý viên chức, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2016/NĐ-CP về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản liên quan trong tháng 12 năm 2016.

3. Về dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành trong tháng 10 năm 2016.

4. Về việc bán vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom

Chính phủ thống nhất cho phép SCIC được tiếp tục áp dụng cơ chế bán vốn tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom theo quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP và quy định pháp luật về chứng khoán. Giao Bộ Tài chính chỉ đạo SCIC thực hiện nghiêm túc việc bán vốn tại các doanh nghiệp đã niêm yết, đặc biệt lưu ý quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn định giá, bảo đảm công khai, minh bạch và bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước.

5. Về đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam

Chính phủ thống nhất việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội theo quy định. Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết này trong chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

6. Về dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập

Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Theo đó, các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình; quy định rõ về kiểm định chất lượng và cơ chế học bổng nhằm bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho con em hộ nghèo, đối tượng chính sách; giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường) tương tự như đã thực hiện đối với đổi mới doanh nghiệp nhà nước; quy định hội đồng trường là cấp có thực quyền, phân định rõ trách nhiệm giữa hội đồng trường với ban giám đốc (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng quyền của tập thể cán bộ, giảng viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định của Luật giáo dục đại học, Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và các luật có liên quan để quy định phù hợp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết. Trước mắt, đẩy mạnh thực hiện thí điểm các trường đại học tự chủ; đổi mới cơ chế quản trị các trường đại học được tự chủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc trình ban hành văn bản quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của hội đồng trường, nhất là đối với tổ chức, nhân sự và tài chính; chỉ đạo kiện toàn theo hướng hội đồng trường là cấp có thực quyền. Cơ quan chủ quản bổ nhiệm hoặc phê duyệt hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các chức danh lãnh đạo, quản lý trong trường theo đề nghị của hội đồng trường. Củng cố cơ cấu lãnh đạo Đảng, Công đoàn trong hội đồng trường để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ tập thể cán bộ, giảng viên.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

7. Về đổi mới chế độ học phí cấp phổ thông

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình Trung ương và Quốc hội về miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh trung học cơ sở theo lộ trình đến năm 2020.

8. Về cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút, sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp đóng góp xây dựng đất nước

Chính phủ thống nhất giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thí điểm mô hình cơ sở giáo dục đại học tự chủ được thu hút người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao về tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án thu hút người có tài năng, sinh viên giỏi, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học với các cơ sở trong nước.

[...]
3