Loading


Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân năm 2002

Số hiệu 02/2002/PL-UBTVQH11
Ngày ban hành 04/10/2002
Ngày có hiệu lực 11/10/2002
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2002/PL-UBTVQH11

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2002

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 02/2002/PL-UBTVQH11 NGÀY 4 THÁNG 10 NĂM 2002 VỀ THẨM PHÁN VÀ HỘI THẨM TOÀ ÁN NHÂN DÂN

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;
Pháp lệnh này quy định về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

1. Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án.

2. Hội thẩm là người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án.

Điều 2

1. Thẩm phán Toà án nhân dân ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:

a) Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao;

b) Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh bao gồm Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện bao gồm Thẩm phán Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

d) Thẩm phán Toà án quân sự các cấp bao gồm Thẩm phán Toà án quân sự trung ương đồng thời là Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; Thẩm phán Toà án quân sự cấp quân khu bao gồm Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương; Thẩm phán Toà án quân sự khu vực.

2. Hội thẩm Toà án nhân dân ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:

a) Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Hội thẩm nhân dân);

b) Hội thẩm quân nhân Toà án quân sự quân khu và tương đương; Hội thẩm quân nhân Toà án quân sự khu vực (gọi chung là Hội thẩm quân nhân).

Điều 3

Việc xét xử của Toà án nhân dân địa phương có Hội thẩm nhân dân tham gia; việc xét xử của Toà án quân sự cấp quân khu và Toà án quân sự khu vực có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật tố tụng. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

Điều 4

Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Điều 5

1. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử, có thời gian công tác thực tiễn, có năng lực làm công tác xét xử theo quy định của Pháp lệnh này, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán.

2. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bầu hoặc cử làm Hội thẩm.

Điều 6

Thẩm phán, Hội thẩm chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 7

Thẩm phán, Hội thẩm phải giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật.

[...]
1