Loading


Quyết định 79/2007/QĐ-BGDĐT về Chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 79/2007/QĐ-BGDĐT
Ngày ban hành 24/12/2007
Ngày có hiệu lực 14/01/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Bành Tiến Long
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 79/2007/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG - AN NINH CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ kết luận tại Biên bản nghiệm thu số 1824/TM-HĐTĐ ngày 22 tháng 11 năm 2007 của Hội đồng thẩm định chương trình giáo trình, sách giáo khoa giáo dục quốc phòng - an ninh;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh cấp trung học phổ thông.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế chương trình môn học giáo dục quốc phòng - an ninh trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ. Việc áp dụng Chương trình ban hành theo Quyết định này đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12 thực hiện từ năm học 2008-2009.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và thủ trưởng các cơ sở giáo dục có cấp học trung học phổ thông, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban VHGD-TNTN&NĐ của QH;
- Văn phòng Chính phủ;
- Hội đồng GDQP-AN Trung ương;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ GDQP, Vụ PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Bành Tiến Long

 

CHƯƠNG TRÌNH

GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG - AN NINH CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 79/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. VỊ TRÍ

1. Giáo dục quốc phòng - an ninh là bộ phận của nền giáo dục quốc dân, một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục của cấp trung học phổ thông.

2. Môn học giáo dục quốc phòng - an ninh góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh về lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào và sự trân trọng đối với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; có ý thức cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; có kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết để tham gia vào sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.

II. MỤC TIÊU

1. Về kiến thức: Có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân - an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm vẻ vang của dân tộc, của quân đội, công an và nghệ thuật đánh giặc giữ nước của ông cha. Có những kiến thức tối thiểu về phòng thủ dân sự, tính năng kỹ thuật, chiến thuật một số loại vũ khí bộ binh.

2. Về kỹ năng: Có kỹ năng tối thiểu về điều lệnh đội ngũ; kỹ thuật, chiến thuật bộ binh; biết sử dụng súng tiểu liên AK hoặc súng trường CKC; thực hành tập bắn trúng mục tiêu cố định bài 1b ban ngày, bằng súng thật hoặc bằng thiết bị điện tử, laser. Làm được các động tác từng người trong chiến đấu; có khả năng tự bảo vệ mình.

3. Về thái độ: Xây dựng niềm tự hào và sự trân trọng đối với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của người thanh niên - học sinh tham gia vào các hoạt động về công tác quốc phòng - an ninh ở nhà trường, địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần hình thành lối sống có ý thức tổ chức kỷ luật của thế hệ trẻ học sinh.

III. QUAN ĐIỂM VÀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH

1. Thực hiện Nghị định 219/CP ngày 28/12/1961 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị và dân quân tự vệ, việc huấn luyện quân sự phổ thông đã được đưa vào giảng dạy cho học sinh, sinh viên từ cấp trung học phổ thông đến trình độ đại học với mục đích chuẩn bị cho thế hệ trẻ cả về mặt tinh thần và kỹ năng quân sự cơ bản nhằm sẵn sàng tham gia quân đội, dân quân tự vệ đáp ứng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến tranh kết thúc, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình. Từ thực tiễn phát triển của kinh tế - xã hội và sự đổi mới của giáo dục đào tạo, năm 1991 chương trình giáo dục quốc phòng ban hành theo Quyết định 2732/QĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi lớn về tên gọi, về kết cấu nội dung theo hướng tăng thời lượng giáo dục truyền thống và nhận thức, giảm bớt phần thực hành kỹ năng quân sự cho phù hợp với điều kiện thời bình.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục đào tạo và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, năm 2000 chương trình giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và ban hành theo Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để bảo đảm hòa nhập trong quá trình đổi mới giáo dục ở các cấp học phổ thông ngày 05 tháng 5 năm 2006 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT về chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông, trong đó có môn học giáo dục quốc phòng - an ninh với thời gian 35 tiết cho mỗi lớp, 105 tiết cho cả cấp học, đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy, học theo phân phối chương trình. Tuy nhiên, kiến thức về an ninh chưa được quy định cụ thể, cơ bản số tiết bổ sung được điều chỉnh bởi các nội dung trong chương trình ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT.

Ngày 10 tháng 7 năm 2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2007/NĐ-CP về giáo dục quốc phòng - an ninh, theo đó chương trình giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên được sửa đổi lồng ghép nội dung an ninh và cập nhật kiến thức quốc phòng, quân sự. Chương trình được ban hành theo các Quyết định riêng cho mỗi cấp học và trình độ đào tạo đã đánh dấu bước thay đổi lớn cả về hình thức và nội dung trong quá trình phát triển của môn học.

2. Hệ thống kiến thức giáo dục quốc phòng - an ninh được đưa vào chương trình trung học phổ thông là những kiến thức ban đầu, cần thiết cho việc nhận thức về quốc phòng - an ninh và thực hành các kỹ năng quân sự phục vụ trực tiếp cho việc hình thành nếp sống có kỷ luật trong sinh hoạt tập thể, ý thức cộng đồng ở trường, lớp và sẵn sàng tham gia vào lực lượng vũ trang. Nội dung chương trình đã được lựa chọn phù hợp với năng lực tư duy, khả năng hoạt động thực tiễn theo lứa tuổi và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

3. Hệ thống kiến thức trong chương trình môn học được cấu trúc theo hệ thống hình bậc thang từ thấp đến cao, luôn có sự kế thừa và phát triển; những kiến thức và kỹ năng ở lớp dưới là tiền đề để nhận thức tốt hơn những kiến thức và kỹ năng ở lớp trên. Mặc dù trong mỗi mạch nội dung kiến thức và thực hành đều có tính độc lập tương đối song tổng hợp của mỗi lớp sẽ tạo cho học sinh một mảng kiến thức tương đối cơ bản về quốc phòng - an ninh.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ