Loading


Thông báo 164/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW về sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 164/TB-VPCP
Ngày ban hành 16/04/2013
Ngày có hiệu lực 16/04/2013
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Phạm Viết Muôn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 28/NQ-TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ SẮP XẾP, ĐỔI MỚI NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

Ngày 22 tháng 3 năm 2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Ban Chỉ đạo đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Tham dự Hội nghị gồm: Các thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết; đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có nông, lâm trường quốc doanh và một số Công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục, sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu dự hội nghị, Phó Thủ tướng kết luận như sau:

1. Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị đến nay, các nông, lâm trường đã chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoặc chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoặc giải thể. Một số công ty nông, lâm nghiệp đã chuyển từ sản xuất chuyên canh, độc canh sang kinh doanh tổng hợp (nông lâm, lâm nông kết hợp) đổi mới cơ chế quản lý quản trị doanh nghiệp, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm, sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn. Các nông, lâm trường đã làm rõ hiện trạng sử dụng đất đai trên bản đồ; nhiều nông, lâm trường đã lập được phương án quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án sản xuất kinh doanh, quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); chuyển giao một phần đất về cho chính quyền địa phương, góp phần giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; một số ít công ty nông, lâm nghiệp thực hiện giao khoán đất có hiệu quả. Sau khi sắp xếp, có nhiều công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, duy trì và phát triển vùng sản xuất hàng hóa, hiệu quả sử dụng đất được cao hơn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tiếp tục phát huy tốt vai trò doanh nghiệp trên địa bàn. Việc thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với cổ phần hóa cơ sở chế biến đã khẳng định được chủ trương cổ phần hóa nông, lâm trường quốc doanh là phù hợp, bước đầu tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, kết quả sản xuất kinh doanh tăng, nộp ngân sách nhà nước tăng, đời sống người lao động được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Nổi rõ là: Việc sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường chủ yếu mới là hình thức (tên gọi), chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp, nhiều công ty lâm nghiệp lúng túng, khó khăn khi chuyển sang hạch toán, sản xuất kinh doanh theo Luật doanh nghiệp. Nhiều tồn tại về quản lý sử dụng đất chậm được khắc phục, có nơi còn nghiêm trọng hơn; phần lớn đất và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính và quy hoạch sử dụng đất; tỷ lệ đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển sang ký hợp đồng thuê đất còn thấp. Hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều công ty chưa cao; Nhiều công ty nông, lâm nghiệp giao khoán đất cho người lao động nhưng buông lỏng, không quản lý được hợp đồng giao khoán khi công nhân nghỉ hưu, hoặc chết, không thanh lý hợp đồng giao khoán. Một số nơi có tình trạng khoán trắng, người nhận khoán tự chuyển nhượng hợp đồng khoán, xây dựng nhà ở trên đất giao khoán nhưng chậm được xử lý. Một số công ty chưa gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn; chưa thực hiện được vai trò của doanh nghiệp nhà nước đối với nông dân trên địa bàn.

Nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan là chính. Nhận thức của các cấp từ Trung ương đến địa phương chưa đúng mức. Cơ chế, chính sách không đồng bộ, không đầy đủ, chưa sát thực tiễn, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đơn vị; tổ chức chỉ đạo thiếu kiên quyết, còn né tránh.

2. Định hướng sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường trong thời gian tới:

Quan điểm chỉ đạo, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường phải được đổi mới với tư duy, nhận thức mới. Đổi mới căn bản về nội dung, mô hình tổ chức sản xuất; quản lý sản phẩm và cơ chế chính sách để đất đai, tài nguyên rừng phải thực sự có chủ quản lý. Làm rõ được trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của người chủ được giao quản lý, sử dụng đất, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động và phải gắn với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là:

a) Về mô hình tổ chức quản lý các công ty nông, lâm nghiệp: Trên cơ sở tổng kết, phân tích kết quả đạt được các mô hình tổ chức quản lý 10 năm qua để đưa ra nhiều loại hình cụ thể phù hp với từng đối tượng sắp xếp, từng địa bàn, đcác địa phương dễ áp dụng. Đối với các mô hình đã làm thí điểm, hoặc mô hình mới phát sinh trong thực tiễn cần tổng kết đánh giá, nếu tốt thì triển khai, nhân rộng. Việc thực hiện cổ phần hóa (công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp), thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên phải đảm bảo nguyên tắc: Đất đai quản lý, sử dụng theo quy hoạch của địa phương, thực hiện thuê đất của Nhà nước, bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động (quyền lợi nghĩa vụ người lao động còn làm việc tại doanh nghiệp).

b) Về cơ chế chính sách: cần rà soát, bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách, tập trung vào các nhóm sau:

- Về đất đai: phải chú trọng cơ chế chính sách để sớm hoàn thành việc rà soát, cắm mốc trên thực địa, lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện thuê đất đối với đất dùng vào mục đích sản xuất kinh doanh; đảm bảo đủ nguồn kinh phí để các địa phương, các công ty hoàn thành nhiệm vụ nêu trên. Rà soát, đề xuất phương pháp tính giá tiền thuê đất đối với đất dùng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp của các đơn vị được thuê đất. Biện pháp xử lý các trường hợp sử dụng đất cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, hợp tác đầu tư, đất vi phạm trong giao khoán, đảm bảo linh hoạt, đúng pháp luật, không gây mất ổn định. Việc quản lý sử dụng đất đối với đất giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng.

- Về tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp: cần làm rõ cơ chế quản lý, bảo vệ, phát triển đối với rừng nghèo kiệt được chuyển đổi trồng rừng nguyên liệu, trồng cao su, nội dung quản lý rừng bền vững cụ thể để bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn, tăng độ che phủ; cơ chế chính sách hỗ trợ việc chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (mức hỗ trợ /1 ha rừng chăm sóc bảo vệ) để gắn người được giao chăm sóc bảo vệ với rừng.

- Về tài chính, tín dụng: nghiên cứu việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp, chính sách miễn giảm các loại thuế (thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng...), xử lý tài sản (vườn cây, rừng trồng) trên đất khi xử lý vấn đề đất đai, phương pháp xác định, giá trị vườn cây, rừng trồng trên đất để cổ phần hóa, và hạch toán trong doanh nghiệp, xử lý tồn tại tài chính trong quá trình sắp xếp, bàn giao cơ shạ tầng kinh tế - xã hội không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh từ doanh nghiệp về cho địa phương quản lý, sử dụng.

Trước mắt Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết ngay việc hạch toán chi phí tiền lương, bảo vệ, chăm sóc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đối với trường hợp Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được giao cho công ty nông nghiệp quản lý; chi trả và hạch toán tiền lương cho giáo viên mẫu giáo do các Công ty cao su trực tiếp chi trả.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ chưa tổ chức Tổng kết, chưa có báo cáo, sớm hoàn thành Tổng kết báo cáo Ban Chỉ đạo tổng kết để tổng hợp chung.

4. Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 28/NQ-TW tổng hợp, tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 4 năm 2013. Báo cáo cần cập nhật, đánh giá thêm số liệu và tình hình: Quản lý, sử dụng đất đai, việc buông lỏng quản lý sử dụng đất đến mức nào? Việc giao khoán đất đai, vườn cây, khoán trắng ở đâu, đến mức nào ? Việc quản lý rừng bền vững có được khai thác không ? Rừng nghèo kiệt xử lý như thế nào ? Đánh giá tổng kết việc thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với cổ phần hóa cơ sở chế biến nếu làm tốt cần được triển khai nhân rộng.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị, các Bộ, ngành liên quan, y ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có nông, lâm trường (công ty nông, lâm nghiệp) biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Ban Kinh tế Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên & Môi trường, Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư; Quốc phòng, Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- HĐND, UBND các tỉnh TP trực thuộc TW;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: V.III, KTTH, KTN, TKBT;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ
CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ