Loading


Thông tư liên tịch 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP hướng dẫn về tổ chức pháp chế ở các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do Ban tổ chức cán bộ Chính Phủ ban hành

Số hiệu 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP
Ngày ban hành 30/12/1997
Ngày có hiệu lực 14/01/1998
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ,Bộ Tư pháp
Người ký Đỗ Quang Trung,Nguyễn Đình Lộc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP

Hà Nội , ngày 30 tháng 12 năm 1997

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ - BỘ TƯ PHÁP SỐ 302-1997-TTLT/BTCCBCB-BTP NGÀY 30-12-1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ Ở CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

Để thi hành thống nhất một số quy định của Nghị định số 94-CP ngày 6-9-1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là tổ chức pháp chế Bộ), Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn một số điểm về tổ chức pháp chế Bộ như sau:

I - VIỆC THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC LẠITỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ

1. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước mà chưa có tổ chức pháp chế, thì căn cứ vào yêu cầu và khối lượng công việc pháp chế của Bộ, ngành mình để thành lập Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 94-CP. Phòng pháp chế được thành lập có thể thuộc Văn phòng Bộ hoặc Phòng pháp chế trực thuộc Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành.

Việc thành lập Vụ Pháp chế do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, có ý kiến của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Việc thành lập Phòng pháp chế do Bộ trưởng, Thủ trưởng có quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

2. Trong trường đã thành lập Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế, thì căn cứ vào yêu cầu và khối lượng công tác pháp chế mà có thể giữ nguyên mô hình tổ chức hoặc tổ chức lại theo quy định tại điểm 1 của Mục này.

3. Trong trường hợp đã thành lập tổ chức pháp chế ghép (như Vụ Pháp chế - Tổng hợp; Vụ Thanh tra - pháp chế. Vụ Chính sách - pháp chế; Phòng Pháp chế - tổng hợp trực thuộc Văn phòng Bộ v.v..) thì nay tách lĩnh vực pháp chế riêng và tổ chức lại theo quy định tại điểm 1 của Mục này. Đồng thời, cũng phải có phương án tổ chức đối với lĩnh vực công tác trước đây đã ghép với tổ chức pháp chế theo hướng giao cho các tổ chức thực hiện có đảm nhiệm lĩnh vực công tác đó; nếu cần phải có tổ chức riêng đảm nhiệm lĩnh vực công tác này, thì phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

II - CHỨC DANH, TIÊU CHUẨN CỦA CÁN BỘ PHÁP CHẾ BỘ

Chức danh, tiêu chuẩn của cán bộ pháp chế bộ quy định tại Điều 2 của Nghị định số 94-CP được xác định theo tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch công chức hành chính nhà nước ngành Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 483/TCCB-QĐ ngày 26-7-1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, được vận dụng vào ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành phụ trách như sau:

1. Cán bộ pháp chế phải là người có trình độ cử nhân luật, vừa có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ, ngành mình;

2. Chú ý lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức từ ngạch chuyên viên trở lên để đảm bảo thực hiện được tốt nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ pháp chế, tổ chức pháp chế Bộ;

3. Trong trường hợp cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân Luật, có thực tiễn soạn thảo văn bản, nhưng chưa có kiến thức chuyên ngành, thì Bộ, ngành cần có kế hoạch tiếp tục đào tạo để đạt yêu cầu kiến thức về chuyên ngành;

4. Trong trường hợp cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân chuyên ngành, có kinh nghiệm chuyên môn, đã tham gia soạn thảo văn bản, nhưng chưa có kiến thức pháp luật, thì Bộ, ngành cần phối hợp với Bộ Tư pháp lập kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật.

Hàng năm, Bộ Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng về kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành cho đội ngũ cán bộ pháp chế.

III - THỜI HẠN, TIẾN ĐỘ THÀNH LẬP HOẶC TỔ CHỨC LẠI TỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ

Để thi hành Điều 7 của Nghị định số 94-CP, Bộ trưởng Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, phải triển khai việc thành lập hoặc tổ chức lại tổ chức pháp chế Bộ. Như vậy, theo quy định trên thì đến ngày 21-12-1997 phải hoàn tất việc thành lập và tổ chức lại tổ chức pháp chế Bộ. Bộ Tư pháp, Ban tổ chức- Cán bộ Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành chưa thành lập và tổ chức lại tổ chức pháp chế phải khẩn trương xúc tiến việc thành lập và tổ chức lại tổ chức pháp chế.

Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi báo cáo về tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế Bộ, ngành mình về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tư pháp trước ngày 30 tháng 1 năm 1998.

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)

Nguyễn Đình Lộc

(Đã ký)

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ