Cần phải làm gì để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông bằng xe đạp và xe đạp điện? Nội dung giáo dục pháp luật ở cấp THCS như thế nào?
Nội dung chính
Cần phải làm gì để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông bằng xe đạp và xe đạp điện?
"Dựa vào kiến thức đã được học, hãy cho biết cần phải làm gì để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông bằng xe đạp và xe đạp điện?"
Đây là nội dung thuộc câu hỏi tự luận bài số 3 Cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai cấp THCS. Dưới đây là đáp án gợi ý cho câu hỏi "Cần phải làm gì để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông bằng xe đạp và xe đạp điện?" mà học sinh có thể tham khảo.
(1) Kiểm tra xe trước khi đi Trước mỗi chuyến đi, đặc biệt là với xe đạp và xe đạp điện, việc kiểm tra xe là vô cùng quan trọng để tránh những sự cố không đáng có trên đường. Cần kiểm tra các bộ phận như: - Phanh: Đảm bảo phanh hoạt động tốt, nhất là phanh trước và phanh sau. - Lốp xe: Kiểm tra lốp có bị xì hơi hay không, nếu cần thì bơm đầy. - Đèn và tín hiệu (với xe đạp điện): Đặc biệt khi đi vào ban đêm, đảm bảo đèn chiếu sáng phía trước và phía sau xe hoạt động bình thường để tăng cường khả năng nhận diện. - Ắc quy (với xe đạp điện): Kiểm tra ắc quy của xe đạp điện để đảm bảo đầy đủ điện và hoạt động tốt. (2) Trong khi tham gia giao thông - Chấp hành hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ: Xe đạp và xe đạp điện cũng là một phương tiện giao thông được phép lưu thông trên đường. Vậy nên khi đi xe đạp và xe đạp điện, người điều khiển cần chấp hành hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ theo đúng quy định của pháp luật. - Luôn luôn lái xe bên phải đường: Việc tiếp theo nên làm khi đi xe đạp và xe đạp điện chính là luôn luôn nhớ lái xe bên phải đường. Bạn cần điều khiển xe đi đúng vào làn đường quy định để không gây cản trở giao thông và đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không được lái xe đi ngược chiều. - Luôn chú ý quan sát: Luôn luôn phải chú ý quan sát khi điều khiển xe đạp và xe đạp điện tham gia lưu thông trên đường. Khi đến chỗ rẽ hay khúc cua, bạn cần phải đi chậm, quan sát thật kỹ trước sau, bên trái và bên phải đến khi có dấu hiệu an toàn thì mới rẽ. Trong trường hợp muốn vượt lên trước, bạn cần quan sát các phương tiện phía sau, đồng thời ra tín hiệu bằng cách rung chuông và vượt lên phía bên trái người trước. - Luôn đi hàng một: Khi điều khiển xe đạp và xe đạp điện trên đường cùng bạn bè, bạn cần phải nhớ luôn luôn đi hàng một để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Bạn nên đạp xe sát lề đường, đi đúng làn đường theo quy định để không gây cản trở giao thông. Ngoài ra khi chở người trên xe đạp và xe đạp điện, bạn chỉ được chở một người, trường hợp có một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người. Không nên chở quá nhiều người trên xe vì như vậy sẽ gây mất an toàn khi di chuyển và ảnh hưởng đến tuổi thọ của xe đạp và xe đạp điện. - Không lái xe bằng một tay: Bạn cần phải lái xe bằng hai tay, đặt tay vào đúng vị trí trên ghi đông để có thể điều khiển xe di chuyển một cách an toàn và hiệu quả. Không nên lái xe bằng một tay vì sẽ gây trở ngại khi điều khiển và khó kiểm soát khi gặp sự cố bất ngờ. - Không đeo tai nghe: Khi điều khiển xe đạp trên đường, bạn cần phải tập trung quan sát các phương tiện giao thông khác. Vì vậy, bạn không nên đeo tai nghe và mở nhạc lớn khi đang đạp xe vì việc làm này sẽ khiến bạn mất tập trung và dễ xảy ra sự cố. - Đội mũ bảo hiểm và mặc đồ bảo hộ: Để đảm bảo an toàn khi lái xe, bạn nên trang bị cho mình nón bảo hiểm và đồ bảo hộ để bảo vệ cơ thể, hạn chế thấp nhất chấn thương khi có sự cố không may xảy ra. Đặc biệt là khi đạp xe đi phượt hay tham gia thi đấu đua xe với vận tốc cao. |
Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo.
Cần phải làm gì để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông bằng xe đạp và xe đạp điện? Nội dung giáo dục pháp luật ở cấp THCS như thế nào? (Hình từ Internet)
Nội dung giáo dục pháp luật ở cấp THCS như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 23 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về nội dung giáo dục pháp luật ở các cấp như sau:
Nội dung giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân
...
2. Nội dung giáo dục pháp luật đối với từng cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân được quy định như sau:
a) Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục mầm non và tiểu học được lồng ghép thông qua nội dung giáo dục đạo đức, hình thành thói quen phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần tự giác, tạo tiền đề hình thành ý thức pháp luật;
b) Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông trang bị kiến thức ban đầu về quyền, nghĩa vụ của công dân, rèn luyện thói quen, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật;
c) Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trang bị kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, kiến thức pháp luật liên quan đến ngành, nghề đào tạo.
Như vậy, nội dung giáo dục pháp luật ở cấp THCS sẽ trang bị các kiến thức bao gồm:
- Kiến thức ban đầu về quyền, nghĩa vụ của công dân.
- Rèn luyện thói quen, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.
Chính sách của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật quy định ra sao?
Căn cứ Điều 3 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về chính sách của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật như sau:
- Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.
- Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được lồng ghép trong chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; là một nội dung trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.