Dịch vụ sử dụng đường bộ là gì? Đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ từ 01/01/2025?
Nội dung chính
Dịch vụ sử dụng đường bộ là gì?
Dịch vụ sử dụng đường bộ được giải thích tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 35/2016/TT-BGTVT thì dịch vụ sử dụng đường bộ là việc các phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ được đầu tư để kinh doanh
Những đối tượng nào được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ từ 01/01/2025?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 32/2024/TT-BGTVT quy định 12 đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ từ 01/01/2025 bao gồm:
(1) Xe cứu thương.
(2) Xe chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy có tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.
(3) Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa.
(4) Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng bao gồm các xe mang biển số: nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng, gồm gồm:
Xe xi téc, xe cần cẩu, xe chở lực lượng vũ trang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe vận tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự…
(5) Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân, gồm:
- Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”;
- Xe ô tô cảnh sát 113 có in dòng chữ “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe;
- Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe;
- Xe vận tải có lắp ghế ngồi trong thùng xe của lực lượng Công an nhân dân làm nhiệm vụ;
(6) Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, gồm:
- Xe có kết cấu chuyên dùng phục vụ tang lễ
- Các xe phục vụ tang lễ
(7) Đoàn xe có xe cảnh sát giao thông dẫn đường.
(8) Xe của lực lượng quốc phòng tham gia diễn tập, hành quân cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, trang bị có xe chuyên dụng quân sự dẫn đường.
(9) Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng sử dụng vé đường bộ toàn quốc theo quy định.
(10) Xe hộ đê; xe đang làm nhiệm vụ khẩn cấp phòng, chống lụt bão theo điều động của cấp có thẩm quyền.
(11) Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.
(12) Xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ.
Những đối tượng nào được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ từ 01/01/2025? (Hình từ internet)
Nguyên tắc xác định mức giá cho dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án đường bộ dùng để kinh doanh bao gồm những nguyên tắc nào?
Tại Điều 6 Thông tư 32/2024/TT-BGTVT thì nguyên tắc xác định mức giá cụ thể, mức giảm và đối tượng giảm giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, do trung ương quản lý như sau:
- Mức giá cụ thể cho một lần phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ (sau đây gọi tắt là mức giá lượt) không cao hơn mức giá tối đa đối với từng loại phương tiện theo Quyết định ban hành mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
- Mức giá tháng là mức thu đối với một phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí trong thời hạn 30 ngày. Mức giá tháng được tính bằng 30 (ba mươi) lần mức giá quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 32/2024/TT-BGTVT.
- Mức giá quý là mức thu đối với một phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí trong thời hạn 90 ngày. Mức giá quý được tính bằng 3 (ba) lần mức giá tháng và chiết khấu 10%.
- Mức giá lượt, mức giá tháng, mức giá quý cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án áp dụng cho từng loại phương tiện được cơ quan có thẩm quyền và Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án.
- Căn cứ tình hình kinh tế xã hội theo từng thời kỳ của địa phương nơi đặt trạm thu phí sử dụng đường bộ, các bên ký hợp đồng dự án thống nhất mức giảm và đối tượng giảm giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ đường bộ và phù hợp với quy định của pháp luật.
Giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ được định giá theo nguyên tắc và căn cứ nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 32/2024/TT-BGTVT quy định về giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định như sau:
Định giá dịch vụ sử dụng đường bộ
1. Giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ được định giá theo nguyên tắc và căn cứ quy định tại Điều 22 Luật Giá.
...
Đồng thời, căn cứ tại Điều 22 Luật giá 2023 quy định về nguyên tắc và căn cứ định giá của Nhà nước như sau:
Nguyên tắc và căn cứ định giá của Nhà nước
1. Nguyên tắc định giá của Nhà nước được quy định như sau:
a) Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ;
b) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng;
c) Xem xét, điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Trường hợp điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án.
2. Căn cứ định giá của Nhà nước được quy định như sau:
a) Yếu tố hình thành giá của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá hoặc thời gian xác định yếu tố hình thành giá trong phương án giá phù hợp với đặc điểm, tính chất của hàng hóa, dịch vụ;
b) Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu của thị trường và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng;
c) Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ.
Như vậy, giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ được định giá dựa trên các nguyên tắc và căn cứ rõ ràng theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính hợp lý, công bằng và phản ánh đúng tình hình thực tế của thị trường.
Cụ thể, việc định giá dịch vụ phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, lợi nhuận và sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, bao gồm cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng...
Ngoài ra, các yếu tố hình thành giá như cung cầu, khả năng thanh toán của người tiêu dùng và giá thị trường trong nước, thế giới đều là căn cứ quan trọng trong việc xác định giá dịch vụ này.
Việc điều chỉnh giá cũng cần linh hoạt theo từng thời kỳ và điều kiện thị trường để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của dịch vụ sử dụng đường bộ.
Lưu ý: Thông tư 32/2024/TT-BGTVT có hiệu lực ngày 01/01/2025.