Loading

16:06 - 11/11/2024

Dùng tiền giả để mua hàng phạm tội gì?

Trường hợp chỉ dùng khoảng 2 triệu đồng tiền giả, đồng tiền mệnh giá 200 ngàn đồng để mua điện thoại di động tại một cửa hàng thì có phạm tội gì hay không ?

Nội dung chính

    Dùng tiền giả để mua hàng phạm tội gì?

    Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tiền giả bao gồm tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả. Các hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    1. Xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tiền giả:

    Theo quy định tại Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP thì:

    a. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    - Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới;

    - Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả;

    - Bố trí cán bộ làm công tác kiểm ngân, thủ quỹ hoặc giao dịch viên chưa qua đào tạo, tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả.

    b. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    - Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ;

    - Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ;

    - Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

    Ngoài ra, còn buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả mà chưa được đóng dấu, bấm lỗ.

    2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Điều 207 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

    "Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

    1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

    2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

    3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

    4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

    5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

    Như vậy: Căn cứ quy định trên đây thì người nào có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả với số tiền bất kể là bao nhiêu thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

    Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (đây là hình phạt chính).

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (đây là hình phạt bổ sung).

    Do đó: Đối với trường hợp một người dùng khoảng 2 triệu đồng tiền giả, đồng tiền mệnh giá 200 ngàn đồng để mua điện thoại di động tại một cửa hàng nào đó trong lãnh thổ Việt Nam thì có dấu hiệu của hành vi "lưu hành tiền giả".

    Nên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả được quy định tại Điều 207 Bộ luật hình sự 2015 với hình phạt từ 03 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    saved-content
    unsaved-content
    129