Loading

15:55 - 20/09/2024

Người tập sự trợ giúp pháp lý có quyền đại diện cho người được trợ giúp tại phiên Tòa hay không?

Người tập sự trợ giúp pháp lý có được đại diện cho người được trợ giúp tại phiên Tòa không? Đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý mất bao nhiêu lâu? Ai có thẩm quyền miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý?


Xin chào ban biên tập, em đang là sinh viên năm cuối, muốn trở thành trợ giúp viên pháp lý tại trung tâm trợ giúp pháp lý, thì không biết khi thực tập có được đại diện cho người được trợ giúp tại phiên Tòa không? Nếu đủ điều kiện thì khi mình làm hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ có lâu không? Xin được giải đáp.

Nội dung chính

    Người tập sự trợ giúp pháp lý có được đại diện cho người được trợ giúp tại phiên Tòa không? 

    Căn cứ Điều 20 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định tập sự trợ giúp pháp lý như sau:

    1. Viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư được tập sự trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

    Thời gian tập sự trợ giúp pháp lý là 12 tháng. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phân công trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn người tập sự trợ giúp pháp lý và xác nhận việc tập sự trợ giúp pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn tập sự phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm trợ giúp viên pháp lý. Tại cùng một thời điểm, 01 trợ giúp viên pháp lý không được hướng dẫn tập sự quá 02 người.

    2. Người tập sự trợ giúp pháp lý được giúp trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý tại phiên tòa; không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

    Người tập sự trợ giúp pháp lý được cùng với trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn gặp gỡ người được trợ giúp pháp lý và đương sự khác trong vụ việc trợ giúp pháp lý khi được người đó đồng ý; giúp trợ giúp viên pháp lý nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ việc và các hoạt động nghề nghiệp khác. Trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn tập sự giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này.

    3. Người thuộc trường hợp được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư thì được miễn, giảm thời gian tập sự trợ giúp pháp lý.

    4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết việc tập sự, kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý và mẫu Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý.

    Như vậy, người tập sự trợ giúp pháp lý chỉ được giúp người hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện cho người được trợ giúp pháp lý tại phiên tòa.

    Người tập sự trợ giúp pháp lý có quyền đại diện cho người được trợ giúp tại phiên Tòa hay không? (Hinhf Internet)

    Đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý mất bao nhiêu lâu?

    Theo Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý như sau:

    1. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lập danh sách những người làm việc ở Trung tâm có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 19 của Luật này gửi Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách người được đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý bao gồm:

    a) Văn bản của Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý;

    b) Lý lịch trích ngang của người được đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý;

    c) 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm;

    d) Bản sao có chứng thực Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, Bằng thạc sĩ luật hoặc Bằng tiến sĩ luật;

    đ) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hoặc Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý; trường hợp được miễn tập sự trợ giúp pháp lý thì phải có bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự trợ giúp pháp lý;

    e) Giấy chứng nhận sức khỏe.

    3. Người đã bị miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý theo quy định tại các điểm a, c và e khoản 1 Điều 22 của Luật này được xem xét bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý quy định tại Luật này và lý do miễn nhiệm, thu hồi thẻ không còn.

    4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    Theo đó, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lập danh sách những người làm việc ở Trung tâm có đủ tiêu chuẩn gửi Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý. Chậm nhất 20 ngày kể từ ngày Giám đốc Sở Tư pháp nhận được danh sách đề nghị thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý.

    Ai có thẩm quyền miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý?

    Tại Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý như sau:

    1. Trợ giúp viên pháp lý bị miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Không còn đủ tiêu chuẩn làm trợ giúp viên pháp lý quy định tại Điều 19 của Luật này;

    b) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc;

    c) Chuyển công tác khác hoặc thôi việc theo nguyện vọng;

    d) Không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan;

    đ) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo từ lần thứ 02 trở lên hoặc cách chức do thực hiện hành vi quy định tại điểm a, b, đ hoặc e khoản 1 Điều 6 của Luật này;

    e) Đang bị cấm hành nghề trong thời gian nhất định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

    2. Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý đối với người thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

    3. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý bao gồm:

    a) Văn bản của Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý;

    b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh trợ giúp viên pháp lý thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

    4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý.

    Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý.

     

    saved-content
    unsaved-content
    9