Nội dung điều tra, đánh giá đất đai có bao nhiêu nội dung?
Nội dung chính
Nội dung điều tra, đánh giá đất đai có bao nhiêu nội dung?
Căn cứ Điều 53 Luật Đất đai 2024, hiện nay nội dung điều tra, đánh giá đất đai có 4 nội dung, cụ thể như sau:
(1) Nội dung điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai bao gồm
+ Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích và phân mức chất lượng đất đối với các loại đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng theo các đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình, tính chất vật lý, tính chất hóa học, tính chất sinh học và điều kiện khác;
+ Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích và phân mức tiềm năng đất đai đối với các loại đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng trên cơ sở phân mức chất lượng đất và hiệu quả sử dụng đất theo các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường;
+ Khoanh vùng các khu vực đất cần bảo vệ, xử lý, cải tạo và phục hồi;
+ Lập bản đồ chất lượng đất, bản đồ tiềm năng đất đai; xây dựng và cập nhật dữ liệu chất lượng đất, tiềm năng đất đai vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
(2) Nội dung điều tra, đánh giá thoái hóa đất bao gồm:
+ Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích đất bị thoái hóa đối với các loại đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng theo từng loại hình thoái hóa gồm: đất bị suy giảm độ phì; đất bị xói mòn; đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; đất bị kết von, đá ong hóa; đất bị mặn hóa; đất bị phèn hóa;
+ Xác định xu hướng, nguyên nhân và dự báo nguy cơ thoái hóa đất;
+ Khoanh vùng các khu vực đất bị thoái hóa cần xử lý, cải tạo và phục hồi;
+ Lập bộ bản đồ thoái hóa đất; xây dựng và cập nhật dữ liệu thoái hóa đất vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
(3) Nội dung điều tra, đánh giá ô nhiễm đất bao gồm:
+ Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích đất bị ô nhiễm theo loại hình ô nhiễm bao gồm ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, ô nhiễm chất độc khác đối với các loại đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất được quy hoạch xây dựng khu dân cư đô thị, nông thôn;
+ Xác định xu hướng, nguồn gây ô nhiễm và dự báo, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm đất;
+ Khoanh vùng các khu vực đất bị ô nhiễm cần xử lý, cải tạo và phục hồi;
+ Lập bộ bản đồ đất bị ô nhiễm; xây dựng và cập nhật dữ liệu ô nhiễm đất vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
(4) Nội dung quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất bao gồm:
+ Xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc cố định trên phạm vi cả nước;
+ Xác định chỉ tiêu, tần suất quan trắc;
+ Theo dõi diễn biến chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất và dự báo, cảnh báo sớm các biến đổi bất thường;
+ Cập nhật dữ liệu quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất vào cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Nội dung điều tra, đánh giá đất đai có bao nhiêu nội dung? (Hình từ Internet)
Nội dung bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất gồm những gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 54 Luật Đất đai 2024 nội dung bảo vệ, cải tạo và phục hồi đất bao gồm:
- Phân loại các khu vực đất đã được khoanh vùng theo quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 53 của Luật này;
- Tổng hợp, xác định phạm vi, mức độ cần bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất theo từng khu vực đất đã được phân loại tại điểm a khoản này;
- Lập kế hoạch và lộ trình thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất đã được xác định tại điểm b khoản này;
- Xác định các biện pháp kỹ thuật, giải pháp kinh tế, xã hội kèm theo các phân tích để lựa chọn phương án tối ưu và quyết định phương án thực hiện;
- Lập báo cáo kết quả thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;
- Giám sát, kiểm soát quá trình xử lý, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 55 Luật Đất đai 2024 quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất như sau:
- Chính phủ quy định chi tiết việc điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất và quy định điều kiện năng lực của tổ chức dịch vụ tư vấn điều tra, đánh giá đất đai.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
+ Quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;
+ Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc;
+ Tổ chức thực hiện, phê duyệt và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội và theo chuyên đề;
+ Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất thoái hóa nặng liên vùng, liên tỉnh; kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
+ Tổ chức thực hiện, phê duyệt và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của địa phương; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm trên địa bàn; cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai;
+ Thống kê và công bố các khu vực đất bị ô nhiễm; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xử lý, cải tạo và phục hồi đất ở khu vực đất bị ô nhiễm trên địa bàn.
- Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai; bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất được thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
- Kết quả điều tra, đánh giá đất đai phải được phê duyệt trong năm thực hiện kiểm kê đất đai để làm căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất các cấp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai kết quả điều tra, đánh giá đất đai trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.