Loading

11:43 - 26/12/2024

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi nuôi chó gây ra mà bạn cần biết

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi nuôi chó gây ra mà bạn cần biết. Dắt chó đi dạo như thế nào để đảm bảo đúng quy định của luật giao thông đường bộ?

Nội dung chính

    Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi nuôi chó gây ra mà bạn cần biết

    Tại khoản 4 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 có quy định về quản lý nuôi chó, mèo:

    Quản lý nuôi chó mèo
    Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
    ...
    4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, nếu để để chó, mèo tấn công người khác thì chủ nuôi sẽ phải bồi thường.

    Ngoài ra, việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra còn được quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    - Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

    - Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

    - Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

    Chó con có cần đeo rọ mõm khi đưa nó ra nơi công cộng không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    - Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;

    - Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

    Như vậy, dù là chó con hay chó lớn thì khi ở nơi công cộng chủ của chó đều phải đeo rọ mõm. Trường hợp chủ nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

    Chủ nuôi chó không tiêm phòng bệnh dại cho chó có bị xử phạt không?

    Theo quy định tại Phụ lục 7 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, chó và mèo thuộc danh mục vật nuôi bắt buộc phải được tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại. Chủ nuôi phải tự chi trả việc tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo.

    Tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP và khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn như sau:

    - Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.

    - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.

    Như vậy, đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng thì sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

    Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người nuôi chó không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó là bao lâu?

    Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:

    Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
    1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
    a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
    Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
    Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
    ...

    Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người nuôi chó nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó là 01 năm.

    Dắt chó đi dạo như thế nào để đảm bảo đúng quy định của luật giao thông đường bộ?

    Căn cứ Điều 34 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ như sau:

    - Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn.

    - Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

    Như vậy, khi dắt chó đi dạo, bạn cần cho chó đi sát mép đường, đảm bảo vệ sinh môi trường trên đường và tuyệt đối không để chó đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

    saved-content
    unsaved-content
    76