Trình tự, thủ tục gia hạn Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
Nội dung chính
Điều kiện cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam là gì?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 58/2022/NĐ-CP quy định về điều kiện được cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam cụ thể như sau:
(1) Có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thành lập.
(2) Có điều lệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, phù hợp với lợi ích và nhu cầu của Việt Nam.
(3) Có cam kết hoạt động dài hạn tại Việt Nam và thống kê chi tiết các chương trình, dự án sẽ triển khai tại Việt Nam trong ít nhất 05 năm tại một hay nhiều địa phương mà quy mô, tính chất của chương trình, dự án đó đòi hỏi sự điều hành, giám sát thường xuyên, tại chỗ.
(4) Có đề xuất Trưởng Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Như vậy, Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện khi đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện như trên.
Trình tự, thủ tục gia hạn Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục gia hạn Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 58/2022/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục gia hạn Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam cụ thể như sau:
(1) Trước thời điểm Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện hết hạn ít nhất 60 ngày, tổ chức phi chính phủ nước ngoài nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến đến Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện gồm các văn bản sau
- 01 đơn đề nghị gia hạn Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện theo Mẫu số 03a quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 58/2022/NĐ-CP;
- 01 bản chính Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện;
- 01 bản báo cáo tóm tắt hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã triển khai tại Việt Nam trong thời hạn Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện đã được cấp và kế hoạch hoạt động cụ thể trong 05 năm tiếp theo.
Các văn bản bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ nêu trên phải kèm bản dịch tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
(2) Trình tự, thủ tục gia hạn Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện được thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 15 Nghị định 58/2022/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
Căn cứ theo Điều 17 Nghị định 58/2022/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam như sau:
(1) Tổ chức phi chính phủ nước ngoài nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến đến Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài 01 bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện gồm các văn bản sau:
- 01 đơn đề nghị ghi rõ nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc lý do để nghị cấp lại (do mất, cũ, hỏng) theo Mẫu số 03b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 58/2022/NĐ-CP,
- 01 bản chính Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện trong trường hợp để nghị sửa đổi, bổ sung hoặc cấp lại do cũ, hỏng. 01 bản sao Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện trong trường hợp đề nghị cấp lại do bị mất bản chính;
- Các văn bản liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung, cấp lại.
(2) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài kiểm tra thành phần hồ sơ đề nghị của tổ chức phi chính phủ nước ngoài như trên và yêu cầu tổ chức phi chính phủ nước ngoài bổ sung hồ sơ nếu cần thiết. Đối với trường hợp đề nghị cấp lại Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài kiểm tra nội dung trong hồ sơ đề nghị của tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
(3) Sau khi tiếp nhận đầy đủ bộ hồ sơ đề nghị của tổ chức phi chính phủ nước ngoài như trên, trong thời hạn 02 ngày làm việc, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký triển khai hoạt động và đặt trụ sở Văn phòng đại diện (trường hợp thay đổi trụ sở Văn phòng đại diện) và cơ quan phê duyệt việc tiếp nhận khoản viện trợ từ tổ chức phi chính phủ nước ngoài liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện.
(4) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cơ quan được hỏi trả lời ý kiến bằng văn bản.
(5) Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chuyển hồ sơ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài như trên và ý kiến của các cơ quan liên quan cho Bộ Ngoại giao để thẩm định.
(6) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài như trên và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Ngoại giao thẩm định hồ sơ, quyết định sửa đổi hoặc không sửa đổi, bổ sung hoặc không bổ sung, cấp lại hoặc không cấp lại Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện và thông báo kết quả tới Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Việc thẩm định được thực hiện bằng hình thức tổng hợp ý kiến bằng văn bản hoặc tổ chức hội nghị thẩm định đối với các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và cấp lại Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện. Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện được sửa đổi, bổ sung, cấp lại theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
(7) Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài như trên, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chuyển Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện đã được sửa đổi, bổ sung, cấp lại tới tổ chức phi chính phủ nước ngoài bằng hình thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính. Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.