Loading

16:52 - 08/01/2025

Vi phạm pháp luật là gì? Các dấu hiệu vi phạm pháp luật là gì?

Khái niệm vi phạm pháp luật là gì? Hành vi vi phạm pháp luật có các dấu hiệu như thế nào?

Nội dung chính


    Vi phạm pháp luật là gì? Các dấu hiệu vi phạm pháp luật?

    Vi phạm pháp luật là một khái niệm trong lý luận nhà nước và pháp luật bên cạnh đó khái niệm này cũng được nhắc đến nhiều trong các ngành khoa học pháp lý.

    Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại hoặc đe dọa xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

    Trong lý luận nhà nước và pháp luật các dấu hiệu vi phạm pháp luật bao gồm: hành vi xác định của con người; mang tính trái pháp luật; có lỗi; do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện. cụ thể các dấu hiệu vi phạm pháp luật như sau:

    - Hành vi xác định của con người

    + Vi phạm pháp luật trước hết phải là hành vi xác định của chủ thể, tức là hành vi đó phải được thể hiện ra thế giới khách quan bên ngoài, biểu hiện dưới dạng hành động và không hành động.

    + Hành vi của con người phải mang tính nguy hiểm cho xã hội ở những mức độ nhất định thì mới bị coi là vi phạm pháp luật.

    + Tính nguy hiểm cho xã hội thể hiện ở việc hành vi đó đã xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến các quyền, lợi ích cơ bản, chính đáng của nhà nước, tập thể, cá nhân hoặc các quan hệ xã hội được nhà nước xác lập và bảo vệ.

    - Trái pháp luật: Tính trái pháp luật của hành vi mà chủ thể thực hiện, thể hiện ra bên ngoài dưới dạng là hành vi đó đã gây thiệt hại, đe dọa gây thiệt hại đến các quan hệ xã hội được Nhà nước xác lập và bảo vệ bao gồm:

    + Làm một việc mà pháp luật cấm

    + Sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép

    + Không thực hiện nghĩa vụ mà nhà nước bắt buộc thực hiện

    - Có lỗi: Lỗi được hiểu là thái độ tâm lý đối với hành vi vi phạm pháp luật do mình thực hiện và đối với hậu quả của hành vi ấy được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.

    - Do người có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện

    Năng lực trách nhiệm pháp lý là khả năng của chủ thể vi phạm pháp luật, vào thời điểm thực hiện hành vi, họ hoàn toàn có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi mà mình thực hiện; khả năng điều khiển được hành vi; khả năng tự chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình.

    Vi phạm pháp luật là gì? Các dấu hiệu vi phạm pháp luật là gì?

    Vi phạm pháp luật là gì? Các dấu hiệu vi phạm pháp luật là gì? (Hình từ Internet)

    Nội dung giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân là gì?

    Căn cứ Điều 23 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 nội dung giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được xây dựng phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, phù hợp với mục tiêu giáo dục, ngành nghề đào tạo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phổ thông, cơ bản, thiết thực và có hệ thống.

    Nội dung giáo dục pháp luật đối với từng cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân được quy định như sau:

    - Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục mầm non và tiểu học được lồng ghép thông qua nội dung giáo dục đạo đức, hình thành thói quen phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần tự giác, tạo tiền đề hình thành ý thức pháp luật;

    - Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông trang bị kiến thức ban đầu về quyền, nghĩa vụ của công dân, rèn luyện thói quen, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật;

    - Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trang bị kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, kiến thức pháp luật liên quan đến ngành, nghề đào tạo.

    Các hình thức giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân?

    Theo Điều 24 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 có hai hình thức giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

    - Giáo dục chính khóa thông qua việc lồng ghép trong các hoạt động giáo dục ở cấp mầm non; môn học đạo đức ở cấp tiểu học; môn học giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; môn học pháp luật, pháp luật đại cương, pháp luật chuyên ngành tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; các môn học trong cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân.

    - Giáo dục ngoại khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

    saved-content
    unsaved-content
    39
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ